Theo nội dung đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với lĩnh vực giao thông tập trung hàng loạt nhóm giải pháp. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và điều hành giao thông đã và đang thực hiện, năm 2020 được xem là mốc thời gian quan trọng.
Hàng loạt giải pháp đã triển khai
Tại TP HCM hiện đã hoàn thành, đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông, đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Đây được xem là giai đoạn 1 trong việc xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tại TP.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, hiện trung tâm giám sát nêu trên cơ bản đã đáp ứng được các chức năng chính như giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Trong đó, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, hiện TP đã đầu tư lắp đặt, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu thông qua hệ thống gần 1.000 camera giám sát giao thông, tập trung chính ở khu vực trung tâm. Thông qua hệ thống màn hình tại Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông, nhân viên vận hành hoàn toàn ghi nhận được tình hình giao thông tại các nút giao có camera kết nối, từ đó thông báo cho các lực lượng liên quan chủ động xử lý các tình huống phát sinh như kẹt xe, sự cố giao thông… Đồng thời, tại TP hiện cũng có hệ thống camera đo đếm lưu lượng phương tiện chuyên dụng. Trên cơ sở số liệu thu thập để tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ dòng phương tiện, hệ thống sẽ tự động đưa ra những cảnh báo cho nhân viên vận hành...
"Tại TP đã hình thành một trung tâm điều hành giao thông với khu vực có bán kính 36 km2, điều khiển theo các kịch bản tự động. Sắp tới sẽ tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo để điều khiển theo thời gian thực và triển khai quyết liệt để tăng cường hiệu quả chế tài xử phạt trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh" - ông Trần Quang Lâm cho biết.
Hình ảnh từ hệ thống camera được kết nối trực tuyến về các màn hình ở Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông, đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn
Ngoài ra, Sở GTVT hiện cũng thông tin đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông. Việc này dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu về phát sinh và thu hút chuyến đi, lựa chọn phương thức, góp phần định hướng xây dựng các chính sách và kế hoạch quản lý giao thông đô thị...
"Thực tế, các ứng dụng khoa học công nghệ đã mang lại những hiệu quả lớn, đơn cử như với Cổng Thông tin giao thông đang triển khai hiện nay, ngồi nhà cũng có thể nắm bắt nhiều thông tin về tình hình giao thông tại TP. Cụ thể nhiều ngày qua, các thông tin về điều chỉnh giao thông phục vụ Tết, tình trạng ùn tắc do mật độ xe tăng cao xung quanh bến xe, sân bay..., tôi hoàn toàn chủ động nắm bắt dù đang ngồi nhà hay làm việc tại cơ quan, từ đó chủ động hơn trong việc đi lại" - anh Phương Hà (ngụ quận 3) chia sẻ.
Mở rộng quy mô
Năm 2020 được xem là mốc quan trọng trong việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và điều hành giao thông. Lãnh đạo Sở GTVT cho biết ngoài việc tiếp tục khai thác hiệu quả Trung tâm giám sát giao thông, Cổng thông tin giao thông, hiện đang tiến tới hoàn thành Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh, với quy mô toàn TP (giai đoạn 2).
Cụ thể, Trung tâm điều hành giao thông thông minh hoàn chỉnh sẽ là "trái tim" của toàn bộ hệ thống giao thông thông minh của TP, với một trung tâm quản lý giao thông chung, kết nối với tất cả các thiết bị ngoại vi, thông qua một hệ thống truyền thông tiên tiến và tích hợp với các hệ thống quản lý giao thông chính đang hoạt động tại TP.
"Trên cơ sở nền tảng Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông giai đoạn 1 và các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đã thực hiện, dự kiến mô hình Trung tâm điều hành giao thông thông minh hoàn chỉnh sẽ bao gồm 10 chức năng chính. Cụ thể gồm giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm, giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng, tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử, quản lý nhu cầu giao thông, quản lý vận tải hàng hóa, chia sẻ thông tin theo yêu cầu và cuối cùng là quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (GIS)" - lãnh đạo Sở GTVT cho biết.
Trong bối cảnh tình trạng kẹt xe tại TP HCM đang ngày càng trầm trọng, việc ứng dụng khoa học công nghệ được xem là giải pháp bao quát và căn cơ
Cũng theo Sở GTVT, thời gian qua tại TP đã triển khai một số các giải pháp đưa vào hoạt động hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại trạm BOT cầu Phú Mỹ, BOT An Sương - An Lạc. Bên cạnh đó cũng triển khai thí điểm vé điện tử smartcard dành cho cho xe buýt; ứng dụng BusMap cung cấp thông tin về lộ trình, thời gian hoạt động và vị trí của xe buýt; thu phí và quản lý công tác thu phí sử dụng lòng đường để đỗ ôtô thông qua ứng dụng...
Trong kế hoạch đặt ra giai đoạn 2019 - 2021, UBND TP hiện giao nhiều đầu việc để tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, ngoài việc khai thác hiệu quả hệ thống vốn có, cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực giao thông sẽ được kết nối toàn bộ hệ thống giám sát hành trình của ôtô để phục vụ việc quản lý, điều hành, xử lý vi phạm cũng như kết hợp công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm... UBD TP đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị cập nhật liên tục tình hình giao thông thực tế trên các đường trục chính, khu vực trung tâm bằng phần mềm, từ đó rà soát, mô phỏng để điều chỉnh và tổ chức lại giao thông ở các khu vực phức tạp... Mặt khác, trên cơ sở giai đoạn 1 của Trung tâm giám sát và điều hành giao thông, sẽ nghiên cứu hướng mở rộng và ưu tiên trên phạm vi các quận, huyện có mật độ giao thông cao...
Phạt nguội: Giảm thủ công, tăng hiệu quả và minh bạch
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Nguyễn Văn Thể thống nhất cho phép liên thông hệ thống dữ liệu trong lĩnh vực GTVT giữa các ngành, lĩnh vực của trung ương với TP HCM và các địa phương. Theo đó, toàn bộ các dữ liệu như từ thiết bị giám sát hành trình của ôtô, dữ liệu đăng kiểm cùng các dữ liệu khác liên quan sẽ được liên thông toàn bộ. Việc này được đánh giá gỡ nhiều nút thắt trong xử lý các vi phạm liên quan đến xử phạt qua hình ảnh (phạt nguội). Lý do là khi dữ liệu giữa các ngành đăng kiểm được chia sẻ sẽ giúp CSGT, thanh tra giao thông..., hiệu quả hơn trong việc xử phạt nguội như thông báo cho các cơ quan đăng kiểm để từ chối đăng kiểm với các phương tiện vi phạm.
Toàn bộ các dữ liệu như từ thiết bị giám sát hành trình của ôtô bắt đầu được liên thông giữa trung ương với TP HCM và các địa phương
Hiện phía TP HCM đang phối hợp các bộ - ngành lập đề án thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn TP để trình Chính phủ xem xét. Đồng thời, Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng giao Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp các đơn vị nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện việc treo biển cảnh báo từ chối đăng kiểm xe sau khi nhận thông báo đề nghị của các cơ quan chức năng như Sở GTVT, Thanh tra Sở GTVT, CSGT.
Bình luận (0)