Thực ra, đây là thời hạn cuối lần 2. Bởi từ ngày 3-12-2018, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu trong vòng 15 ngày, chủ đầu tư phải tháo dỡ bức tường nguy hiểm này. Hết thời hạn, chủ đầu tư không tháo dỡ. Thay vì cưỡng chế thì ngày 18-12-2018, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa lại ra tiếp văn bản yêu cầu chủ đầu tư đến ngày 21-12-2018 phải trình phương án tháo dỡ bức tường.
Đến hạn, chủ đầu tư vẫn không trình phương án tháo dỡ, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa lại du di khi ra tiếp văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, đến chiều 4-1-2019, bức tường vẫn đứng trơ trơ, mặc các khối bê-tông đổ xuống nhà dân.
Sự dây dưa trong xử lý bức tường này chẳng phải mới xảy ra. Dự án được cấp phép từ tháng 10-2017 với cấu trúc xây dựng bức tường này bằng vật liệu đá chẻ, có chiều cao từ 4-6 m và cách nhà dân 0-7 m tùy đoạn. Đến tháng 4-2018, chủ đầu tư bắt đầu xây dựng bức tường này bằng cách tự thay đổi cấu trúc theo công nghệ MSE, thay đổi chiều cao lên gấp đôi, tức 12 m và khoảng cách từ bức tường đến nhà dân cũng chỉ còn 0,7-1 m. Chủ đầu tư cho rằng thay đổi như vậy để... không nguy hiểm cho dân và kịp trước mùa mưa (!?).
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa cuối năm 2018, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nói không phải là sở không biết, bởi sở đã tiến hành 11 đợt kiểm tra, riêng ông đã 8 đợt. Lạ thay, sau chừng ấy đợt kiểm tra nhưng cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý công tác xây dựng của tỉnh Khánh Hòa không yêu cầu chủ đầu tư đập bỏ công trình sai phép. Thay vào đó, mãi đến ngày 19-9-2018, khi bức tường thành khổng lồ cao 12 m, dài khoảng 160 m xây gần xong, sở này mới yêu cầu dừng thi công, xử phạt 40 triệu đồng và đề nghị chủ đầu tư bổ sung hồ sơ, điều chỉnh thiết kế.
Chỉ đến khi thảm họa sạt lở núi làm 21 người chết xảy ra ở TP Nha Trang hôm 18-11-2018, người dân sống dưới chân bức tường hoảng sợ, báo chí vào cuộc, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa mới "giật mình" và yêu cầu tháo dỡ.
Thế nhưng, không những không tháo dỡ, chủ đầu tư còn phát văn bản đến các cơ quan công quyền của tỉnh Khánh Hòa, cho rằng đấy là một "mệnh lệnh bất khả thi". Văn bản do Giám đốc Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang (chủ đầu tư) Lê Thị Tú Anh ký còn đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cử Sở Xây dựng tỉnh này đứng ra tháo dỡ và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chủ đầu tư dự án này là ai mà tỏ ra cao giọng?
Trong khi bức tường vẫn trơ trơ, thách thức thì ông Lê Văn Dẽ lại bảo rằng có cưỡng chế cũng phải đợi đến khi nắng ráo vì đang mưa, đưa thiết bị vào cưỡng chế sợ nguy hiểm. Lẽ nào phải đợi bức tường chịu không nổi nước mưa, đổ ập lên nhà dân rồi mới cưỡng chế?
Tự lo an toàn tính mạng mình vẫn hơn, đến chiều 4-1, 18 hộ dân sống dưới chân bức tường phải lũ lượt di tản, bỏ lại những ngôi nhà chắt chiu xây dựng, mặc cho những "trận mưa" bê-tông từ bức tường đổ xuống!
Bình luận (0)