Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện chuyển đổi số (CĐS) tại Bình Dương đã hỗ trợ cải cách hành chính (CCHC), góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này.
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, cho biết bám sát quan điểm, mục tiêu của Chính phủ, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ về CĐS. Trong đó, xác định CĐS là sự thay đổi mang tính toàn diện từ chính quyền, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức và người dân trong mọi lĩnh vực, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Hệ thống Camera AI giám sát giao thông được đặt tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương
Hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh được đầu tư, kết nối hoàn thiện phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính phủ số. Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau bao gồm cả thiết bị di động. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử được triển khai dùng chung cho tất cả 19 sở ngành, 9 UBND cấp huyện và 91 UBND cấp xã. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đơn vị, liên thông bốn cấp, có tích hợp ký số trên hệ thống. Nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính trị - xã hội cơ bản được duy trì ổn định qua các năm. Việc ứng dụng CNTT trong nhân dân, doanh nghiệp có nhiều thay đổi theo hướng tích cực như việc tiếp cận thông tin trên môi trường mạng.
Đối với công tác CCHC, Bình Dương đạt được nhiều kết quả tích cực, thủ tục hành chính được rà soát, đơn giản hoá. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được chú trọng thực hiện. Bộ máy đã được tinh gọn, giảm đầu mối, phần nào khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo 100% TTHC có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 kể từ ngày 1-1-2022.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai toàn diện, đồng bộ ở cả 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã). Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Thủ Dầu Một tiếp tục được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Bộ phận một cửa hiện đại được triển khai tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố (nay là Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện); các trang thiết bị phần cứng, phần mềm được đầu tư đúng chuẩn. Bộ phận một cửa cấp xã thường xuyên được mở rộng, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động của các địa phương; phần mềm một cửa điện tử đã được triển khai đồng bộ đối với 100% xã, phường, thị trấn.
Tháo gỡ khó khăn
Theo ông Lê Tuấn Anh, thời gian qua công tác CĐS của tỉnh còn gặp một số khó khăn như thanh toán không dùng tiền mặt, việc thực hiện chữ ký số, chưa có dữ liệu và chia sẻ dữ liệu dùng chung nên khó khăn để thực hiện thủ tục hành chính mức độ 3 và 4.
Bên cạnh đó, Bình Dương có dân số đông nhưng số lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn thấp, khó đáp ứng nhu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời việc thực hiện CCHC và CĐS gặp phải những khó khăn do cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ hướng dẫn còn thấp.
Ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, thì cho rằng tâm lý người dân vẫn còn e ngại chưa quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Do đó, đội ngũ tình nguyện viên không làm thay mà cần hướng dẫn tận tình để người dân quen dần với thao tác.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3,4 đối với một số thủ tục còn vướng mắc do quy định về giấy tờ, nhiều khâu nên người dân khó thực hiện. Đơn cử như dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực đất đai, hiện có rất nhiều hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì các hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải làm trực tiếp.
Ông Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức đề xuất đối với các vướng mắc liên quan đến quy định luật pháp, các sở ngành cần liệt kê cụ thể để tỉnh có cơ sở kiến nghị Bộ, ngành Trung ương sửa đổi phù hợp với thực tiễn.
Cùng đóng góp giải pháp, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Becamex IDC, nói cần hợp nhất phần mềm Bộ phận một cửa và Dịch vụ công trực tuyến, số hóa minh bạch TTHC để người dân được giám sát.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cần xây dựng kết nối dữ liệu quy trình thủ tục thống nhất trong toàn tỉnh, đảm bảo nguồn lực, nhân lực cho CCHC, CĐS. Ngoài ra, xây dựng cơ chế đặc thù cho chính quyền đô thị; khắc phục những vướng mắc về cơ sở lưu trữ tập trung và mã hóa hồ sơ để đảm bảo tính bảo mật. Cùng với đó là xây dựng cơ chế đặc thù riêng cho tỉnh Bình Dương như có chế độ, chính sách cho tình nguyện viên, cán bộ, công chức Bộ phận một cửa. Đồng thời, khẩn trương tham mưu tiêu chí đánh giá về TTHC và CĐS; rà soát đánh giá toàn diện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thiết bị và cơ sở dữ liệu…
Hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 việc thu thập, cập nhật và bổ sung dữ liệu thông tin địa chỉ số cho 286.947 đối tượng như hộ gia đình, trụ sở cơ quan, DN… Các địa chỉ số này được gắn với bản đồ VMAP nên các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có thể tra cứu địa chỉ số của mình thông qua nền tảng này.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, cơ quan báo chí tham gia tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền những tiện ích của đề án mang lại phục vụ nhân dân; nâng cao quản lý, điều hành của cơ quan có thẩm quyền, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, người dân; tiếp tục triển khai ứng dụng nền tảng địa chỉ số cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh theo chỉ tiêu được Ủy ban Quốc gia về CĐS.
Cùng với đó, UBND tỉnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyên ngành; hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến và phần mềm một cửa điện tử để phục vụ tốt hơn cho người dân, DN nhằm hoàn thiện các tiện ích chính quyền số; phát triển ứng dụng di động dùng chung của tỉnh; tích hợp, cung cấp các dịch vụ phục vụ cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh.
Bình luận (0)