Xem chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại và là cực tăng trưởng mới nằm trong tứ giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa, nên ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay ngay vào việc, sớm cụ thể hóa những mục tiêu đề ra.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm thước đo
Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Phó Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa - cho biết trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ TT-TT, các bộ ngành trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong quý I/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 77.797 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 đạt 98,54%; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 4 đạt 95,76%. Nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh Thanh Hóa là một trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; đã tích hợp 1.443 đơn vị của tỉnh (cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị sự nghiệp), phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ trung ương đến cấp xã và kết nối, chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa tham quan sản phẩm chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn
CĐS trong các ngành, lĩnh vực đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, như trong lĩnh vực y tế, BHXH, tài chính - ngân hàng, thuế, hải quan… Đã đưa 406 sản phẩm của các huyện lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa, đưa 28 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử "voso.vn", 38 sản phẩm OCOP lên sàn "postmart.vn", cung cấp hơn 40.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện…
Đáng chú ý, CĐS trong DN tại Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, hiện Thanh Hóa đã có 28.512 DN đăng ký thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt trên 190.400 tỉ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,68 tỉ đồng/DN. Các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã và đang đóng góp tích cực vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động.
"Có thể nói, CĐS đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước; sản xuất - kinh doanh hiệu quả; nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại các trải nghiệm thiết thực cho người dân, DN; đồng thời CĐS còn mang lại sự công bằng, bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ công nghệ số của các vùng miền, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn được hưởng dịch vụ như ở các đô thị lớn" - ông Quyết nói.
Phấn đấu trong tốp 10 cả nước
Để CĐS trên địa bàn được triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và trong cộng đồng DN, thời gian qua, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị để tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tìm ra các sáng kiến, mô hình CĐS hay giúp người dân, DN có nhiều giải pháp để lựa chọn. Gần đây nhất, ngày 24-5, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Vụ Quản lý DN - Bộ TT-TT tổ chức hội nghị "Giải pháp thúc đẩy CĐS cho các DN tỉnh Thanh Hóa".
Theo ông Đỗ Hữu Quyết, CĐS là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, tổ chức, DN và người tiêu dùng trong nước cũng như trên toàn thế giới. CĐS tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của cơ quan nhà nước, sản xuất - kinh doanh của DN và cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Xác định được tầm quan trọng, yêu cầu cấp thiết của CĐS, đặc biệt là trong DN nhằm mang lại sức sống mới, tầm vóc mới của các DN trong thời kỳ CĐS nên Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các DN CĐS.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa - cho biết CĐS tại địa phương bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng TT-TT được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 và 4 ngày càng cao…
Cũng theo ông Mai Xuân Liêm, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS; kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; DN CĐS chiếm 50% trở lên trong tổng số DN có phát sinh thuế; 6 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành CĐS, theo bộ tiêu chí đánh giá CĐS tỉnh Thanh Hóa, tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 50% trở lên...
"Quan điểm chỉ đạo của Thanh Hóa là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của DN, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động" - ông Mai Xuân Liêm khẳng định.
Bình luận (0)