Trước thông tin Hội đồng kỷ luật của Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn đến hết năm học 2017-2018 đối với 2 nữ sinh lớp 9 đã đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 cùng trường chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xạ hội, Báo Người Lao Động đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mức kỷ luật này.
Clip 3 nữ sinh bị đánh dã man
Để giúp bạn đọc có góc nhìn khách quan hơn về hình thức kỷ luật này, Báo Người Lao Động trích dẫn một số ý kiến của bạn đọc gửi đến báo.
Bạn đọc tên "Thanhthanh" tỏ ra đồng thuận với mức kỷ luật trên khi cho rằng: "Cần phải có hình thức kỷ luật thích đáng với 2 học sinh lớp 9. Nếu nhẹ quá, các em lại tái diễn. Thật không ngờ, mới lớp 9 mà đã như thế".
Rất nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc trước hành động "hổ báo" của 2 nữ sinh lớp 9
Còn theo bạn đọc có tên "Sự Thật" thì: "Nên cho vào trại giáo dưỡng, để ở ngoài dễ phiền lụy các cháu khác". Bạn đọc "Buồn Cười" thêm vào: "Giờ mà còn kỷ luật buộc thôi học có thời hạn thì thấm gì đâu, cho vào trường giáo dưỡng hết. Nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự mới thấm, chứ không thì chẳng ăn thua gì đâu".
Bạn đọc tên "Chau" thì tỏ ra bức xúc trước hành động "hổ báo" của 2 nữ sinh lớp 9: "Còn nhỏ đã muốn làm dân anh chị rồi, chắc phải chuyển qua trường giáo dục thanh thiếu niên 1 năm để cán bộ của trường giáo dục lại". Đồng tình với ý kiến này, bạn đọc "Lê hải triều" đưa ra đề nghị: "Cần đưa những em như thế này vào trường giáo dưỡng, phạt như thế này chưa đủ răn đe, khó dạy dỗ chúng thành người có ích được".
Nhiều bạn đọc cho rằng buộc thôi học có thời hạn là hình thức kỷ luật thích đáng, nhằm răn đe 2 nữ sinh này và những học sinh khác
Bạn đọc "Ngọc Ngà Châu Báu" có ý kiến thẳng thắn: "Đã là "hổ báo" thì xem ra khó thay đổi tâm tính".
Bạn đọc "Trần Công Danh" nêu quan điểm: "Với hình thức kỷ luật đuổi học có thời hạn như thế này đối với 2 học sinh "hổ báo" kia, tôi thấy chẳng có gì tỏ ra là răn đe cho 2 em này và các em học sinh khác cả. Có khi đó lại là "phần thưởng" rất quý giá cho chúng đấy, vì đối với những phần tử lười biếng, thích quấy phá thì không gì sướng hơn là được nghỉ học, đi chơi. Nếu là như vậy thì sau này rất có thể sẽ tái phạm lại nữa cho mà xem".
Bạn đọc "Minh Khoi" phân tích: "Vấn nạn bạo hành học đường chưa chấm dứt do buông lỏng trách nhiệm và xử lý kỷ luật chưa nghiêm. Trách nhiệm của tổ trưởng, lớp trưởng, lớp phó kỷ luật đâu? Trong khi các em bị đánh dã man thì số khác đứng xem, quay clip.. không ai can ngăn. Trách nhiệm của nhà trường: giám thị, chủ nhiệm, ban giám hiệu. Tôi đề nghị phải xét kỷ luật các vị trí trên. Phần 2 học sinh đánh bạn: 1. Đuổi học vĩnh viễn. 2. Đưa vào trường giáo dưỡng tập trung. 3. Truy tố hình sự nếu gây thương tật cho người bị đánh. Chỉ có liều thuốc đắng mới trị hết căn bệnh nhức nhối này".
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến của bạn đọc tỏ ra không đồng tình với hình thức kỷ luật của nhà trường.
Bạn đọc "KuThuong" cho rằng không nên đuổi học. Đó là giải pháp tồi tệ nhất. Bạn đọc có tên "Sư Tử" thì cho rằng: "Không nên đuổi học, sẽ ảnh hưởng các em sau này. Hãy tăng thêm 2 giờ học kỹ năng sống và tâm lý cho các em. Đuổi học sẽ không giúp ích mà hại thêm cho các em".
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên buộc thôi học 2 nữ sinh lớp 9, như thế là vô tình đẩy các em lún sâu hơn
Cùng quan điểm trên, bạn đọc "Tran Tho" đề xuất: "Phạt bắt học thêm một giờ mỗi ngày với giáo viên tâm lý, chứ đuổi học giúp cơ hội ở nhà lêu lổng".
Bạn đọc "Van Anh" nêu quan điểm: "Không được đuổi học, dù có thời hạn. Cho các em tiếp tục học nhưng bị kỷ luật lao động tại trường 1 năm. Hiến pháp quy định mọi người đều được hưởng nền giáo dục như nhau, nên không đuổi học mà bắt lao động".
Bạn đọc "NGUYEN HIEU" phân tích: "Học sinh hư đốn là do gia đình, nhà trường và xã hội. Không cớ gì học sinh hư lại đổ hết lỗi cho thầy cô. Thời buổi lo làm ăn, đa số gia đình toàn bỏ bê, nuông chiều con cái, xã hội thì đầy cám dỗ, lắm thói hư tật xấu. Nhà trường đâu thể giáo dục hết được. Theo ý kiến cá nhân, tôi thấy hình thức đuổi học không phải là cách răn đe hiệu quả, có khi lại vô hình trung tạo ra thêm những thành phần bất hảo, nguy hiểm cho xã hội. Nên chăng, đưa những thành phần này đi giáo dưỡng, lao động công ích hoặc một chế tài mạnh nào khác để răn đe?".
Bạn đọc tên "Phong" đặt câu hỏi: "Tại sao phải buộc thôi học các bạn nhỏ mà không tạo điều kiện cho các bạn học tập và sửa sai. Liệu khi cho thôi học, các bạn có tốt hơn hay chúng ta vô tình đẩy các em lún sâu hơn?".
Trả lời với Báo Người Lao Động vào ngày 11-12, thầy Trần Kim Cảnh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho rằng: "Bản thân là người thầy, chúng tôi không muốn học sinh của mình bị kỷ luật như thế đâu. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải có hình thức kỷ luật thích đáng để răn đe 2 học sinh này và xoa dịu nỗi đau của phụ huynh 3 nữ sinh bị đánh. Chúng tôi không thể nào bỏ các em ra ngoài được, mà phải ôm các em vô để tiếp tục giáo dục, uốn nắn, bồi dưỡng để các em được tiếp tục học tập, sau này trở thành người có ích cho xã hội. Do vậy, chúng tôi mới áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn, chứ không đuổi học vĩnh viễn".
Thăm dò ý kiến
Hình thức kỷ luật nào là phù hợp nhất đối với 2 nữ sinh trên?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)