Sáng 17-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Lễ khởi công tổ chức đồng loạt tại An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.
Góp phần thay đổi vùng ĐBSCL
Tại lễ khởi công, Thủ tướng nhìn nhận ĐBSCL rất giàu tiềm năng, giàu truyền thống cách mạng, song hệ thống giao thông còn hạn chế, các hạ tầng chiến lược khác cũng không thuận lợi. Vì thế, dự án này được kỳ vọng là 1 trong 6 tuyến cao tốc thay đổi vùng ĐBSCL, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2 km, kết nối Quốc lộ 91 ở tỉnh An Giang với điểm cuối giao Quốc lộ Nam Sông Hậu và đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Tổng mức đầu tư là 44.691 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương.
Theo Thủ tướng, việc triển khai dự án này là hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của trung ương và các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu và người dân chứng kiến lễ khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng yêu cầu UBND các địa phương tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện công trình; ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng phương án thi công chi tiết, phù hợp, bảo đảm hiệu quả; đồng thời, huy động nhân lực, thiết bị hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các bộ ngành liên quan phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tạo thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn để ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ, hiệu quả. UBND tỉnh An Giang và các địa phương có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần ưu tiên cung cấp cát đắp cho dự án; cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho nhà thầu thi công dự án nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định vật liệu xây dựng đã được địa phương lên kế hoạch chi tiết, bảo đảm nguồn cung cho dự án. Hiện công suất các mỏ đá ở An Giang đủ bảo đảm thực hiện đường cao tốc trên địa bàn và đủ cung ứng cho toàn bộ các công trình tuyến cao tốc Bắc - Nam. Về cát, An Giang bảo đảm cho tuyến đường cao tốc trên địa bàn với hơn 57 km và sẵn sàng hỗ trợ Hậu Giang, TP Cần Thơ.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết Cần Thơ đã bố trí vốn địa phương 1.000 tỉ đồng trong năm 2023 cho dự án này và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng. Còn ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thông tin tỉnh này có 1.794 hộ bị ảnh hưởng và đã bàn giao hơn 82% diện tích cho dự án...
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, đây là dự án đường cao tốc trục ngang đầu tiên của ĐBSCL nên rất được chính quyền và người dân quan tâm. Bà Lê Kim Tuyến (ngụ TP Cần Thơ) xúc động phát biểu tại lễ khởi công: "Gia đình tôi có một căn nhà và xưởng may quần áo bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng sẵn sàng di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng. Hy vọng tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển, đời sống người dân nâng lên".
Ông Huỳnh Viết Bính (ngụ An Giang) cho hay dự án đi qua phần đất hơn 6.500 m2 của gia đình. Ông đã đồng ý nhận bồi thường, giao mặt bằng vì đây là dự án lớn, mang lại lợi ích chung, giúp cả vùng ĐBSCL có cơ hội bứt phá hơn nữa...
"Khâu khó nhất đã qua"
Hôm nay, 18-6, UBND TP HCM cùng UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk phối hợp với Bộ GTVT tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án đường bộ, gồm: Vành đai 3 TP HCM, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP HCM với các điểm cầu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, chủ đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP HCM - cho rằng Vành đai 3 sẽ khởi đầu nhiều giấc mơ về hạ tầng giao thông cho thành phố nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Là "nhạc trưởng" điều phối công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3 TP HCM, ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy dự án thành phần 2 - khẳng định việc chuẩn bị mặt bằng đã vượt tiến độ so với kế hoạch. Tỉ lệ bàn giao mặt bằng đã đạt 86,97%.
"Khâu khó nhất đã qua, những trường hợp còn lại là những ca khó, cần thêm thời gian vận động, thuyết phục để người dân chia sẻ. Mục tiêu là đến tháng 12-2023, các địa phương sẽ bàn giao 100% mặt bằng cho dự án" - ông Võ Trung Trực cho biết.
Rất tự tin, đại diện UBND huyện Hóc Môn quả quyết sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sớm hơn kế hoạch đề ra 6 tháng. Lãnh đạo huyện Củ Chi cũng bày tỏ quyết tâm nếu chủ đầu tư bàn giao khu tái định cư sớm thì trong tháng 8, huyện sẽ bàn giao 100% mặt bằng theo yêu cầu của dự án.
Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, khi hoàn thành, tuyến Vành đai 3 sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí xăng dầu, giúp doanh nghiệp vận tải nâng cao công suất, hoạt động hiệu quả hơn.
Tại Đồng Nai, ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, cho hay tỉnh này đã sẵn sàng cho lễ động thổ dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3 đoạn qua địa phương. Đường Vành đai 3 đoạn qua Đồng Nai dài hơn 11 km. Trong khi đó, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua Đồng Nai hơn 34 km, hiện đã hoàn thành ký hợp đồng gói thầu thi công rà phá bom mìn, vật nổ; đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp. Đến nay, dự án đã có khoảng 20% mặt bằng, dự kiến trong tháng 7 sẽ bàn giao toàn bộ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhận xét việc 2 dự án quan trọng khởi công vào ngày 18-6 là niềm mong mỏi của người dân và chính quyền địa phương vì tạo sự thông thoáng trong kết nối giao thông giữa Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM. Khi có sự kết nối này, hiệu quả của sân bay và cảng biển mới được phát huy, chắc chắn tạo ra động lực để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết sau lễ khởi công đường Vành đai 3 TP HCM, dự kiến tỉnh này sẽ khởi công phần dự án đi qua địa phương vào ngày 28-6.
Tạo xung lực cho vùng kinh tế phía Nam
Dự án Vành đai 3 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQCP năm 2022 để triển khai.
Vành đai 3 dài 76,3 km, đi qua 4 địa phương: TP HCM (47,35 km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km) và Long An (6,81 km). Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe cao tốc, vận tốc 100 km/giờ; đường song hành hai bên vận tốc 60 km/giờ. Quy mô giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên đầu tư không liên tục. Dự kiến dự án hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026, tạo xung lực cho vùng kinh tế phía Nam.
Mở ra cơ hội lớn
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài hơn 117 km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương, gồm 3 dự án thành phần, do UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Để chuẩn bị cho lễ khởi công, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu những huyện có dự án đi qua phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, PCCC, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (thứ 3 từ trái qua), kiểm tra công tác chuẩn bị khởi công tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua huyện này hơn 16 km. Krông Bông cũng là địa phương được chọn làm điểm cầu tổ chức lễ khởi công dự án thành phần 3. Huyện đã tuyên truyền cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự. Dự án hoàn thành sẽ là bước ngoặt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ôtô An Phước - Tây Nguyên là vùng nguyên liệu lớn nhưng cơ sở hạ tầng đường bộ còn hạn chế. Khi dự án này hoàn thành sẽ giảm được chi phí vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa.
Tin-ảnh: C.Nguyên
Bình luận (0)