Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đang nghiên cứu việc mở thêm 30 tuyến buýt mini; hoạt động thí điểm tại các quận 1, 10 và Tân Bình. Những tuyến xe này sẽ chạy vòng tròn theo lộ trình cố định, với phương tiện được thiết kế theo chủng loại riêng để phù hợp với đặc thù giao thông của TP.
Khó tiếp cận xe buýt lớn
Việc tổ chức mạng lưới xe buýt ở TP HCM bị đánh giá rất phức tạp, chưa được phân cấp cụ thể cho từng tuyến đường trục và nhánh. TP có rất nhiều tuyến đường nhỏ ngang dọc; tuy nhiên, hệ thống xe buýt lại chủ yếu là loại lớn, khoảng cách các điểm đón quá xa nên hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của người dân.
TP HCM hiện chủ yếu là các loại xe buýt lớn như 40 hoặc 80 chỗ, khó đón khách trong các tuyến đường hẹp, hẻm nhỏ
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, qua khảo sát tại khu vực trung tâm TP, bán kính đi bộ tới bến xe buýt gần nhất trung bình từ 100-300 m, nhiều khu vực bán kính tới 800 m. Còn nếu tính từ hẻm thì trung bình hơn 1 km. Vì vậy, ông Sanh tính toán thời gian đi bộ mất từ 15-30 phút để tới bến xe buýt, nhà chờ, trạm chuyển tuyến…, tương ứng hành khách mất từ 1-2 giờ mới tới được điểm cần đến. Ngược lại, nếu đi bằng xe máy, trung bình chỉ trong khoảng 30 phút đến 1 giờ. "Có các tuyến mini buýt là cần thiết và phù hợp để thu hẹp bán kính tiếp cận, tuy nhiên với mục tiêu giảm bán kính xuống khoảng 200 m là một vấn đề rất khó nên phải tính toán kỹ để thực hiện khả thi" - TS Phạm Sanh phân tích.
Theo TS Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế, TP HCM chưa có các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro nên hiện phải xác định xe buýt là phương tiện chủ lực. "TP cần quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt cho nhiều năm tới, bao gồm các tuyến, ga, trạm trung chuyển buýt… kết nối để tạo thành một mạng lưới lớn với vô số các điểm đi - đến để khai thác hiệu quả hệ thống giao thông công cộng, giảm xe cá nhân. Một mạng lưới buýt hiệu quả thì khoảng cách đi bộ phổ biến giữa nhà với điểm đỗ, giữa điểm đỗ với nơi cần đến phải dưới 1 km (khoảng 15 phút đi bộ).
Tiện "gom" hành khách
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TP HCM, khảo sát tại TP hiện có khoảng 85% cư dân sống tập trung dọc các con đường hẹp, trong hẻm nhỏ nên những xe buýt cỡ nhỏ là phù hợp, giúp thu hẹp bán kính người dân đón xe. Đồng thời, việc này cũng đáp ứng được khả năng gom khách tới các trục đường chính để đón các tuyến vận tải với khối lượng chuyên chở lớn hơn như metro, BRT (buýt nhanh, khối lượng vận tải lớn)…
Theo TS Phạm Sanh, nếu triển khai loại hình này thì cần đa dạng các loại phương tiện và tư nhân hóa mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, các tuyến xe cần nghiên cứu phù hợp với đặc thù từng khu vực, đòi hỏi chất lượng tốt, phải có lộ trình đến đường chính, tiện lợi khi chuyển tuyến và giảm các tuyến trùng lắp trên cùng một hành trình.
Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, các tuyến buýt mini mà đơn vị đang nghiên cứu có bán kính trong khoảng 200 m. Trước mắt sẽ có 30 tuyến với khoảng 350 xe loại 12 chỗ và hoạt động thí điểm tại 3 quận, gồm các quận 1, 10 và Tân Bình. Những tuyến xe này hoạt động theo hình thức chạy vòng tròn với lộ trình cố định, đón - trả khách trong các đường rộng từ 4-6 m. "Chủng loại xe sẽ được thiết kế phù hợp với đặc thù văn hóa của TP HCM. Nếu được chấp nhận, việc thực hiện trước đó sẽ khảo sát cụ thể ở khu vực, từng tuyến đường cũng như lấy ý kiến của người dân để đánh giá về nhu cầu nhằm triển khai hiệu quả. Nếu được thông qua, đơn vị có thể triển khai từ đầu năm 2019" - ông Trung thông tin.
Khẩn trương thí điểm làn đường riêng
Theo ông Trần Chí Trung, đơn vị đang gấp rút nghiên cứu việc xây dựng làn đường riêng cho xe buýt. Trong đó, đơn vị đang tính toán thí điểm trên 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ, dự kiến hoàn thành việc nghiên cứu trong năm 2018. Bên cạnh đó, ông Trung cũng thông tin đơn vị đang nghiên cứu đề xuất làm đường ưu tiên cho xe buýt trên hành lang quy hoạch các tuyến vận tải khối lượng lớn.
Bình luận (0)