xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Buýt nhanh bắt đầu "chạy" cùng metro số 1

THU HỒNG

TP HCM kỳ vọng khi đi vào hoạt động, tuyến buýt nhanh đầu tiên cùng với metro số 1 sẽ thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm ùn tắc

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, chủ đầu tư dự án tuyến xe buýt nhanh hoạt động trên hành lang đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (gọi tắt là BRT số 1), thông tin sau nhiều năm chuẩn bị, dự án đang khởi động một cách khẩn trương.

Quý III/2021 sẽ mời thầu

Nói về quá trình chuẩn bị cho tuyến BRT số 1, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết dự án được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013 với thời gian thực hiện là 2014-2019. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư với thời gian thực hiện từ năm 2015-2020. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến năm 2018, các cơ quan chức năng qua rà soát, đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả (trong đó có việc tuyến metro số 1 lùi thời gian vận hành - PV) nên TP đã quyết định lùi thời hạn thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả thực hiện theo mục tiêu dự án.

Buýt nhanh bắt đầu chạy cùng metro số 1 - Ảnh 1.

Đường Võ Văn Kiệt sẽ có làn đường riêng để xe buýt nhanh hoạt động Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Xác định thời điểm thích hợp đã đến, mới đây, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án BRT số 1. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành, nhà tài trợ và UBND TP HCM để đẩy nhanh thủ tục điều chỉnh hiệp định tài trợ của dự án. Cụ thể, UBND TP kiến nghị điều chỉnh vốn đầu tư giảm 12,17 triệu USD, từ 155,85 triệu USD còn 143,68 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 123,6 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách TP HCM là 20,06 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2014-2019 thành 2014-2023.

"Hiện chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ thiết kế kỹ thuật, các thủ tục về vốn, chuẩn bị trình Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trong tháng 7 này, đến quý III/2021 sẽ tiến hành mời thầu theo quy định" - ông Lương Minh Phúc cho hay. Theo ông, nếu mọi việc suôn sẻ, đầu năm 2022 sẽ khởi công gói thầu xây lắp với các hạng mục như xây dựng trạm dừng, nhà chờ, cầu bộ hành… Song song đó, gói thầu phương tiện sẽ được đấu thầu để chọn đơn vị cung ứng phương tiện đủ năng lực để kịp đưa tuyến BRT đầu tiên của TP vào vận hành theo dự kiến là năm 2023.

Kết nối vận tải hành khách khối lượng lớn

Theo Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, tuyến BRT số 1 dài 26 km, chạy dọc hành lang đường Võ Văn Kiệt vượt sông Sài Gòn tới xa lộ Hà Nội - đường Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (TP Thủ Đức). Sau khi Bến xe Miền Tây mới (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.

Xe buýt chạy trên tuyến sẽ sử dụng khí nén thiên nhiên CNG, với tốc độ 40 km/giờ trên làn đường riêng, dự kiến rút ngắn 30% thời gian so với xe buýt thường. Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe với sức chứa 60-72 hành khách/xe. Làn đường dành riêng cho xe buýt được bố trí giữa 2 dải phân cách trung tâm bằng bê-tông. Dọc theo tuyến có 28 trạm dừng, 2 trạm trung chuyển ở trên đường Hải Thượng Lãn Ông và Hàm Nghi, 1 nhà ga ở Rạch Chiếc, bãi hậu cần tại Thủ Thiêm rộng hơn 13.000 m² và 8 bãi đậu xe cá nhân sẽ được xây dựng tại các trạm.

Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho rằng với hướng tuyến như trên, cùng với tuyến metro số 1, tuyến BRT số 1 sẽ giúp thu gom, kết nối hành khách dọc đại lộ Đông Tây, xa lộ Hà Nội, từ hướng Đông sang Tây, phát huy công suất của loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. "Khi đi vào vận hành, tuyến BRT số 1 sẽ có chất lượng dịch vụ tương tự loại hình BRT trên thế giới, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của loại hình giao thông thông minh. Trong đó, hệ thống vé đề xuất của tuyến BRT số 1 dựa trên thẻ thông minh và NFC (vé điện thoại di động)" - ông Lương Minh Phúc khẳng định.

ThS Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, nhận định hiện nay, sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt đã bão hòa nên việc phát triển loại hình mới là xe buýt khối lượng lớn có làn đường riêng là hoàn toàn hợp lý và vô cùng cần thiết. Kế đến, loại hình buýt nhanh rất phù hợp với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam bởi chi phí đầu tư vừa phải, thời gian thi công ngắn, sức chở lớn. 

TP HCM sẽ có tổng cộng 6 tuyến buýt nhanh

Theo quy hoạch, TP HCM sẽ có 6 tuyến xe buýt nhanh. Ngoài tuyến BRT số 1 sắp khởi công thì 5 tuyến khác gồm: tuyến BRT chạy trên đường Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ (24 km); tuyến BRT chạy trên đường Vành đai 2 (từ An Sương - Bến xe Miền Tây dài 19 km); tuyến BRT khu vực Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (từ Kha Vạn Cân đến Công viên Hoàng Văn Thụ dài 14,5 km); tuyến BRT Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong (từ ngã tư Bốn Xã - Nguyễn Văn Linh dài 8,7 km) và tuyến BRT chạy trên đường Quang Trung dài 8,5 km.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo