Sáng ngày 16-3, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Duy Nam, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, xác nhận hàng chục hộ nuôi cá lồng trên sông Chu (đoạn qua địa bàn xã) đang rơi vào cảnh trắng tay khi cá lồng bất ngờ chết hàng loạt chỉ sau 1 đêm.
Cá lồng của người dân xã Xuân Thiên chết trắng sông Chu sáng ngày 16-3
Theo thông tin ban đầu, khoảng 2 giờ sáng ngày 16-3, người dân nuôi cá lồng trên sông Chu ở các thôn Quảng Ích 2, Quảng Phúc và Hiệp Lực (xã Xuân Thiên) nghe tiếng cá lồng vùng vẫy bất thường nên đã ra kiểm tra và phát hiện cá ngoi lên mặt nước ngửa bụng dày đặc. Dọc bờ sông, tôm, cá tự nhiên cũng nổi lên mặt nước trôi dạt vào bờ rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Quảng Ích 2) cho biết, gia đình ông có 4 lồng cá với khoảng 650 con (trong đó có 1 nửa số cá chuẩn bị xuất bán) bất ngờ nổi chết bất thường ngay trong đêm. Khi thấy cá chết bất thường, gia đình ông Tuấn và các hộ dân khác đã nhanh chóng bắt cá đưa lên bờ nhưng không kịp do lượng cá nuôi nhiều, sự việc lại diễn ra trong đêm khuya.
Sự việc được người dân phát hiện rạng sáng nay 16-3
"Cả gia đình tôi chỉ trông chờ vào nguồn thu chính từ nuôi cá lồng, giờ coi như trắng tay. Chúng tôi nghi ngờ cá chết do việc xả thải từ Nhà máy giấy Mục Sơn và Nhà máy đường Lam Sơn (đóng tại thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân). Bởi thời điểm cá chết, chúng tôi thấy khu vực cống xả thải chung của 2 nhà máy này đổ ra sông Chu nước có màu đen kịt, nổi bọt trắng xóa, mùi hôi thối nồng nặc"- đại diện một hộ nuôi cá lồng bức xúc.
Người dân cũng cho biết đầu giờ tối ngày 15-3, họ nắm được thông tin khu vực cầu Mục Sơn (cách vị trí các hộ dân nuôi cá lồng khoảng 3-5 km, cá tự nhiên chết hàng loạt bất thường, nước đổi màu đen kịt, bọt trắng xóa.
Ngay sau khi nhận được tin báo cá lồng chết hàng loạt, UBND xã Xuân Thiên đã báo cáo sự việc tới UBND huyện Thọ Xuân và huyện này ngay trong buổi sáng ngày 16-3 đã cử cán bộ Phòng Nông nghiệp, Công an huyện xuống hiện trường ghi nhận thực tế cá chết, thiệt hại để làm rõ nguyên nhân.
Cá tự nhiên ngoài sông Chu cũng ngửa bụng chết trắng
"Thực tế nắm bắt tình hình, tại địa phương có khoảng 20 hộ nuôi cá lồng trên sông Chu chết bất thường. Qua khai báo của các hộ dân, sơ bộ chúng tôi thống kê được có khoảng 10 tấn cá trắm (có trọng lượng từ 1,5 đến 2,5 kg) của người dân chết chưa rõ nguyên nhân"- ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, qua ghi nhận thực tế, nước trên sông Chu đục hơn so với mọi ngày, có mùi hôi. "Bà con phản ánh cá chết có thể do các nhà máy phía thượng nguồn sông Chu xả thải, chúng tôi cũng đã ghi nhận để báo cáo cấp trên, còn nguyên nhân chính xác phải các cơ quan chức năng về lấy mẫu làm rõ"- ông Nam thông tin.
Người dân tiếc của đã mang cá chết đi bán đổ bán tháo
Vị Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thiên cũng cho biết hiện tượng cá chết trên sông Chu trước đây cũng có diễn ra, tuy nhiên chưa bao giờ chết nhiều như thế này.
Được biết, không chỉ có xã Xuân Thiên mà các hộ nuôi cá lồng dọc sông Chu qua thị trấn Lam Sơn và xã Thọ Hải phía hạ lưu cầu Mục Sơn cũng có hiện tượng cá chết rải rác bất thường.
Người dân nghi ngờ cá chết do nhà máy phía thượng nguồn xả thải do nước sông Chu đục ngầu lạ thường, nổi bọt trắng và có mùi hôi thối
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực nuôi cá lồng của người dân xã Xuân Thiên nằm cách cầu Mục Sơn về phía hạ lưu khoảng 3-5 km. Ngay tại khu vực cầu có 1 cống xả thải chung ra sông Chu của Nhà máy giấy Mục Sơn và Nhà mày đường Lam Sơn.
Tại khu vực này, qua quan sát bằng mắt thường vào sáng nay 16-3, cống nước thải đổ ra sông Chu đen ngòm, nổi bọt trắng xóa cả một đoạn sông và bốc mùi hôi thối.
Khu vực nguồn nước thải xả chảy ra sông Chu của 2 nhà máy đóng trên địa bàn thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) nhìn bằng mắt thường thấy đen ngòm, nổi bọt, bốc mùi hôi thối
Bình luận (0)