xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cả đời gắn với bờ xe nước

Bài và ảnh: Võ QUÝ Cầu

Ở bên sông, cả đời ông gắn bó với bờ xe nước. Sợ mai kia về với ông bà mang theo kỹ thuật làm nghề này nên ông đã âm thầm tích cóp và mượn thêm tiền để làm một bờ xe nước 9 bánh

Ông là Mai Văn Quýt, 79 tuổi, ở thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

3 đời "trùm xe"

Muốn tìm ông Quýt, cứ theo đường Tế Hanh ở TP Quảng Ngãi vượt lên phía Tây, qua khỏi ngã tư cầu Thạch Bích chừng non 100 m. Từ đây, theo con đường vào chùa Đông Quang, đi thêm một đoạn là tới.

Cả đời gắn với bờ xe nước - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Quýt cưa tre để làm bờ xe nước

Thấy có khách, ông Quýt dừng tay vót tre, hất hàm chào rồi đi pha bình nước chè. Ông bảo, trời đã chuyển sang thu, mùa mưa sắp tới. Mùa này, xưa kia cánh thợ bờ xe nước bận rộn lo tính toán tiền nong để đi mua vật liệu chuẩn bị làm.

Ngoái nhìn bờ sông, ông Quýt nhớ lại: "Nửa thế kỷ trước, trên sông Trà, bờ xe nước dày đặc. Chỉ tính từ đoạn dưới cầu Trà Khúc cũ đã có bờ xe nước Trà Điếu, Đồng Đề, Cây Gáo, Cây Sộp, Viên Quang, Núi Sứa, rồi Tân, Đồng Xuân. Phía bờ Bắc sông Trà Khúc là vậy. Còn phía bờ Nam thuộc vùng Nghĩa Dõng, cánh thợ ở đó còn làm được cả bờ xe nước đôi - đưa nước lên cùng một mương chảy ra đồng, nên bây giờ nơi đó "chết tên" gọi là Bờ xe đôi".

Cả đời gắn với bờ xe nước - Ảnh 2.

Ông Mai Văn Quýt bên những chiếc bánh của bờ xe nước

Bờ xe nước ở Quảng Ngãi so với các tỉnh Tây Bắc thì quy mô hơn nhiều, bởi có từ 9 đến 12 bánh. Mỗi bánh có đường kính từ 7 đến 9 m.

Bờ xe nước càng lớn, cần dòng chảy càng mạnh. Vì vậy, trước khi lắp đặt bờ xe nước trên sông Trà, cánh thợ phải đóng cọc từ bên này sang bên kia sông. Muốn đóng được cọc, phải hụp lặn trong dòng nước nên cánh thợ bờ xe nước lưu truyền câu ca: "Làm xe ba tấm mành mành/ Bao giờ xe chạy mới lành tấm thân".

Ở Quảng Ngãi trước đây, chỉ có sông Trà Khúc và sông Vệ mới có thể đặt bờ xe nước. Còn sông Trà Bồng tuy lớn nhưng nước chảy dịu êm, sông Trà Câu hạ lưu hẹp và dốc... nên không thể làm được bờ xe nước.

Lúc hệ thống thủy lợi còn thô sơ chưa phát triển, việc làm ruộng, trồng mía ở đôi bờ sông Trà phụ thuộc rất nhiều vào bờ xe nước. Trong khi đó, nhà ông Quýt, từ ông nội đến cha đều làm "trùm xe" - chức vụ cao nhất trong việc làm bờ xe nước - nên ra ngõ người làng đều chào hỏi. Lúc họ kẹt tiền sẽ có người dốc hầu bao cho mượn.

Cả đời gắn với bờ xe nước - Ảnh 3.

Ý tưởng thiết kế cầu Trà Khúc 1 từ bờ xe nước sông Trà

Ông Quýt nhẩm tính: Một bờ xe nước tốn khoảng 3.000 cây tre nên cần mua đến 100 bụi tre già. Từ đầu tháng tám âm lịch, những ông trùm xe cùng cánh thợ đi ngược dòng sông lên tận huyện miền núi Sơn Hà tìm mua tre, rồi thuê thêm dân trong vùng đốn hạ. Vì nhiều người làm bờ xe nước nên thời điểm đó, người đi mua tre và bè tre trên sông Trà tràn ngập.

Tre đốn xong được kết thành bè xuôi dòng rồi tập kết ở những gò cao ven sông. Tiếp theo là những ngày trần lưng đan vót.

Đến cuối tháng mười âm lịch, sông Trà thường không còn lũ lớn. Lúc này, người làng đóng bờ cừ ngăn nước, khuân những thanh tre đan vót xong ra sông, bắt đầu lắp bờ xe nước.

Công việc bận rộn nhưng đến đầu tháng ba âm lịch, đứng trên cầu Trà Khúc nhìn về phía thượng nguồn, tất cả các bờ xe đều đồng loạt quay, đưa nước lên đồng…

Biểu tượng thăng trầm

Với ông Quýt, chuyện đến với nghề làm bờ xe nước là hết sức tự nhiên.

Thời niên thiếu, sau những giờ đến lớp, ông Quýt cùng bạn bè ra bờ sông nô đùa rồi xuống tắm. Khi nội bận rộn, có việc cần sai bảo thì ông chạy nhanh chân. Nhiều lần nghe nội rồi cha bàn bạc, hướng dẫn những người thợ trẻ cách chọn mua tre, vót nan, đan những tấm mành mành, cắt ống tre bắt nghiêng để lấy nước từ sông, là ông tự hiểu nghề này.

Khi bước sang tuổi mười bảy "bẻ gãy sừng trâu", ông Quýt dễ dàng nhập cuộc cùng những người thợ làm bờ xe nước. Là người sáng dạ, tuy chỉ mới học xong bậc tiểu học nhưng từ khi cha mất, ông thay thế thu xếp công việc, theo dõi ngày công và tính toán ăn chia cho từng người thợ, đâu ra đó.

Vậy nên, sau 10 năm làm nghề, ông Quýt trở thành trùm xe trẻ tuổi nhất trong số 36 ông trùm làm bờ xe nước vùng hạ lưu sông Trà Khúc.

Nghề làm bờ xe nước trên sông Trà Khúc đi qua nhiều thế kỷ, không chỉ là công trình "dẫn thủy, nhập điền" mà còn trở thành biểu tượng của vùng đất này. Cánh nhiếp ảnh xứ Quảng xưa, ai cũng muốn sở hữu tấm hình về bờ xe nước. Người từ các nơi đến thăm Quảng Ngãi cũng dừng chân xem bờ xe nước quay đều trong những sớm mai.

Thế nhưng, những bờ xe nước chỉ tưới được cho các cánh đồng ven sông, trong khi nhu cầu về nước tưới cho sản xuất rất lớn. Sau ngày đất nước thống nhất, được sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đập dâng Thạch Nham - công trình thủy lợi hoành tráng nhất tỉnh lúc bấy giờ, để tưới cho hàng vạn hecta lúa ở 7 huyện, thị xã, thành phố. Sau này, Thạch Nham còn đáp ứng nước cho Khu Kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp Tịnh Phong và nước sinh hoạt cho TP Quảng Ngãi. Từ khi công trình đi vào hoạt động năm 1997, nghề làm bờ xe nước đành lui vão dĩ vãng.

Ông Quýt vui vì công trình Thạch Nham đáp ứng nguồn nước tưới cho sản xuất nhưng buồn vì nghề làm bờ xe nước không còn hữu dụng nữa. Nhiều hôm, người làng bắt gặp ông một mình lặng lẽ bên sông.

Vài năm sau, huyện miền núi Sơn Hà cho người xuống nhà mời ông Quýt lên làm bờ xe nước bên sông Re để lấy nước cho đồng bào dân tộc sản xuất. Như chỉ chờ có thế, ông khăn gói lên đường.

Khi bờ xe nước ven sông Re đi vào hoạt động, huyện chủ trương tự thu - chi. Cuộc sống đồng bào dân tộc hồi đó khó khăn lắm nên nguồn thu chẳng được bao nhiêu, không đủ trang trải. Ông Quýt đành trở lại quê.

Trước cuộc sống thúc bách, ông Quýt chuyển sang nhận làm quán cà phê, quán nhậu khung bằng tre, mái lợp tranh hoặc lá dừa nước. Ông còn nhận làm cả nong, nia, sàng và nông cụ.

Tâm nguyện một đời

Ở đời, khi cuộc sống khá dần lên, người ta bắt đầu nhớ nhiều về những ngày tháng cũ.

Năm 1999, một doanh nghiệp đầu tư làm khu du lịch ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa. Họ đã thuê ông Quýt làm một bờ xe nước 2 bánh.

Sau đó, ở Quảng Ngãi, một số người làm ăn khá giả hoặc các chủ quán nhậu, quán cà phê tìm đến đặt ông Quýt làm bờ xe nước để bày trong sân vườn. Tiếp theo là người Quảng Ngãi xa quê, làm ăn thành đạt, tìm về đặt mua một vài bánh xe nước để lắp đặt trong sân cho vơi nỗi nhớ. Thế nên, chuyện làm bờ xe nước của ông Quýt hữu dụng trở lại.

"Cái bờ xe nước ngày xưa hoành tráng là thế nhưng bây giờ người ta chỉ làm theo mô hình thôi. Có khi chỉ làm vài bánh, đường kính từ 0,7 đến 1 m. Có người còn yêu cầu thay những thanh tre bằng ống nhựa để sử dụng lâu bền. Mình cứ làm theo ý họ để kiếm sống mãi sao?" - ông Quýt trăn trở.

Vậy nên nhiều lúc, sau khi khách tính tiền rồi chuyển bờ xe nước đi, ông Quýt cứ bần thần. Rồi ông nung nấu về việc làm một bờ xe nước theo đúng kỹ thuật của ông bà xưa truyền lại.

Đến đầu năm 2023, ông Quýt quyết định dốc hầu bao tiền tiết kiệm lâu nay và đến Hội Người cao tuổi trong thôn mượn thêm 15 triệu đồng để mua vật liệu làm bờ xe nước. Tuy vậy, với số tiền đã có, ông chỉ làm được một bờ xe nước với 9 bánh, đường kính bánh xe cũng chỉ 2 m mà thôi.

Ông Quýt kéo tôi tới 3 bánh của bờ xe nước đã làm xong, rồi đưa tay quay cho bánh xe chạy đề. Ông cho biết: "Tui lắp cứ 3 bánh xe vào một khung cho dễ dàng di chuyển. Nếu đem lắp xuống nước thì nó sẽ quay đều như bờ xe nước trên sông".

Bờ xe nước của ông Quýt cuối năm nay sẽ hoàn thành. Ông bày tỏ: "Nếu tỉnh mua đem trưng bày cho mọi người tham quan thì quá tốt. Còn không, tui sẽ trưng trong nhà này để con cháu biết về bờ xe nước sông Trà nguyên mẫu. Thế hệ làm bờ xe nước thời đó giờ còn mấy ai và khi mất, họ có để lại kỹ thuật làm bờ xe nước đâu!".

Nghe ông Quýt bộc bạch, tôi nhìn vào đôi mắt ông và hiểu đó là tâm nguyện của một đời người, đời thợ. 

"Bờ xe nước là công trình dẫn thủy nhập điền độc đáo của người dân xứ Quảng. Thiết kế cầu Trà Khúc 1 vừa được duyệt cũng lấy ý tưởng từ bờ xe nước sông Trà.

Chiều 31-8-2023, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất chọn phương án thiết kế cầu Trà Khúc 1 theo thiết kế "Dấu ấn sông Trà", do Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình giao thông 1 thực hiện, để xây dựng thay thế cây cầu đã xuống cấp.

Cầu Trà Khúc 1 dài hơn 594 m, mặt cắt ngang rộng 28 m; vốn đầu tư dự kiến 2.239 tỉ đồng. Ý tưởng thiết kế công trình với 3 vòng tròn tạo nên hình tượng bờ xe nước sông Trà.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo