Giải thưởng Trần Văn Kiểu do UBND quận 5, TP HCM phối hợp cùng LĐLĐ quận tổ chức hằng năm đã bước sang tuổi 18. Báo Người Lao Động giới thiệu 2 trong 7 cá nhân đoạt giải năm nay.
Bạn của bà nội trợ
Thích nấu ăn nên ngay từ nhỏ chị Hoàng Thị Yến, Tổ tưởng Tổ Kiểm tra chất lượng (KCS) Xí nghiệp (XN) Liên doanh Vianco, có đam mê mãnh liệt với gia vị, công thức chế biến các món ăn. Giấc mơ này theo chân Yến khi chị quyết định thi vào Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP HCM (hệ cao đẳng).
Khi còn là sinh viên, Yến đã làm thêm tại các nhà hàng, khách sạn. Tốt nghiệp ra trường, chị vẫn yêu thích công việc này và gắn bó nhiều năm liền. Chính những kinh nghiệm tích lũy từ việc làm thêm và những kiến thức học được ở trường đã giúp Yến phát huy thế mạnh khi vào làm việc tại XN Liên doanh Vianco năm 2014. "Tiếp xúc nhiều với khách hàng giúp tôi biết được khẩu vị, đặc biệt là đòi hỏi khắt khe của họ đối với các món ăn, nhất là những món ăn truyền thống. Do vậy, khoảng thời gian làm thêm giúp tôi có những trải nghiệm thú vị" - chị Yến chia sẻ.
Anh Hồ Minh Thức, Bệnh viện quận 5, TP HCM, bên máy rửa tay tự động do anh sáng chế
Do XN chưa có phòng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nên vừa kiểm tra chất lượng, Yến vừa đảm nhiệm luôn vai trò phát triển sản phẩm mới. Sa tế Việt Ấn là một sản phẩm nổi tiếng của XN nhưng doanh số lại không bằng nhiều sản phẩm khác. Trăn trở trước vấn đề này, Yến quyết định cải tiến công thức sa tế thành sốt sa tế. Chỉ cần điều chỉnh lượng ớt và màu hạt điều, sản phẩm sốt sa tế trở nên bắt mắt và thơm ngon hơn. Tận dụng từ các nguồn nguyên liệu sẵn có lại không phải thuê thêm người nghiên cứu sản phẩm nên sản phẩm sốt sa tế do Yến nghiên cứu đã làm lợi cho XN 200 triệu đồng/năm.
Để việc nấu ăn không còn là nỗi lo của các chị em văn phòng, nhất là những bà nội trợ bận rộn, mới đây, Yến còn dày công nghiên cứu sản xuất nước cốt phở gà. Mỗi sáng, các bà nội trợ chỉ cần chế nước sôi, bỏ bánh phở, thịt gà, hành… là cả nhà đã có những tô phở nóng hổi, thơm phức mà không mất nhiều thời gian để hầm hoa hồi, sả, quế… như trước. Sản phẩm được đưa ra thị trường cho khách hàng dùng thử và nhận được phản hồi tích cực, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất đại trà.
Hiện cô gái sinh năm 1990 này cũng đang ấp ủ nghiên cứu sản xuất phở khô nhằm giúp XN đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh. "Yến là người tận tụy với công việc, sẵn sàng đối mặt cùng thử thách khi vừa làm công tác chuyên môn hằng ngày của mình vừa nghiên cứu sản phẩm mới. Các sản phẩm của Yến nghiên cứu đã mang giá trị làm lợi lớn cho đơn vị" - ông Bùi Quang Ánh, Phó Chủ tịch Công đoàn XN Liên doanh Vianco, nhận xét.
Miệt mài cống hiến
Từ nhỏ, anh Hồ Minh Thức, nhân viên Phòng Kế hoạch tổng hợp - Vật tư thiết bị y tế Bệnh viện quận 5, đã mơ ước trở thành một bác sĩ. Thế nhưng, anh vẫn thiếu chút may mắn khi điểm thi đại học thiếu mất 1 điểm để trở thành sinh viên ngành y. Chọn học chuyên ngành cơ điện tử tại Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, mong muốn của anh là trở thành kỹ sư chuyên về máy móc, thiết bị y tế.
Bệnh viện quận 5 chỉ có duy nhất một kỹ sư chuyên về thiết bị y tế trong khi số lượng thiết bị, máy móc được sử dụng trong việc khám chữa bệnh lên đến 180 đơn vị. Do vậy, Thức phải đối diện với áp lực không nhỏ. Khó khăn, vất vả là vậy, song niềm đam mê công việc và óc sáng tạo đã giúp anh vượt mọi trở ngại. Điển hình là sáng kiến xây dựng phần mềm quản lý trang thiết bị y tế vào năm 2018.
Trước đây, việc quản lý trang thiết bị y tế đều qua sổ sách nên muốn bóc tách thông tin về bất kỳ thiết bị nào đều rất tốn thời gian, công sức. Để khắc phục hạn chế này, anh đã mạnh dạn đề xuất với ban giám đốc bệnh viện để anh viết phần mềm quản lý. Chỉ mất hơn 2 tháng, anh đã viết xong phần mềm trong sự vui mừng lẫn bất ngờ của cả tập thể lao động. Không chỉ rút ngắn thời gian tra cứu thông tin, phần mềm này còn giúp bệnh viện thuận tiện hơn trong công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị.
Một sáng kiến đáng chú ý khác của anh Thức là đã "Nghiên cứu, thiết kế máy rửa tay tự động", bảo đảm công tác phòng dịch thời gian vừa qua. Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo lần này, anh cho hay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu nghiêm ngặt về công tác phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và bệnh nhân đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, việc dùng chai nước sát khuẩn không bảo đảm an toàn, rất có thể sẽ lây nhiễm chéo nếu có nguồn bệnh. Trong khi đó, máy rửa tay tự động ngoài thị trường lại có giá tương đối cao. Vì vậy, anh quyết tâm tìm hiểu và chế tạo máy rửa tay cho đơn vị mình.
Tận dụng vật tư có sẵn, anh Thức đã chế tạo thành công 13 chiếc máy rửa tay tự động với chi phí chưa tới 1 triệu đồng/cái. Sản phẩm được lắp đặt thử nghiệm tại các vị trí có nhu cầu rửa tay sát khuẩn cao như cổng ra vào, các khu khám bệnh, phát thuốc của bệnh viện. Máy hoạt động hoàn toàn tự động và lượng dung dịch sát khuẩn phun ra vừa đủ giúp mọi người an tâm hơn trong quá trình rửa tay sát khuẩn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Chiếc máy rửa tay của anh Thức nhận được phản hồi tích cực từ đồng nghiệp và bệnh nhân, giúp mang lại hình ảnh một bệnh viện hiện đại cho Bệnh viện quận 5. Sáng kiến này cũng giúp bệnh viện tiết kiệm chi phí hơn 100 triệu đồng.
Bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận 5, TP HCM:
Khẳng định năng lực, trí tuệ của người thợ
Giải thưởng truyền thống Trần Văn Kiểu là giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh những CNVC-LĐ tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và hoạt động CĐ; những CNVC-LĐ tiêu biểu có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có công trình đem lại lợi ích. Tình yêu nghề nghiệp và đam mê sáng tạo đã giúp những cá nhân điển hình vươn đến đỉnh cao nghệ nghiệp, đóng góp tích cực cho đơn vị và cộng đồng.
Bình luận (0)