Thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) xưa nay được mệnh danh "nghĩa địa tàu cổ". Người ta tính từ trước đến nay, riêng vùng biển xung quanh thôn Châu Thuận Biển có trên 10 chiếc tàu cổ bị đắm được phát hiện. Tàu có niên đại ít nhất cũng 300 năm, nhiều 700-800 năm. Bởi vậy, cổ vật ở đây gồm những thứ như bình, lọ, chén, bát, gốm sứ có niên đại khác nhau được người dân nhặt được đem về trưng trong các góc nhà, tủ kính "nhiều không đếm xuể".
Cổ vật như đồ chơi
Thôn Châu Thuận Biển ngày xưa vốn thuộc thôn Châu Thuận nhưng vì quá rộng nên chính quyền địa phương mới tách ra làm 2 thôn là Châu Thuận Biển và Châu Thuận Nông, dựa vào đặc tính nghề nghiệp làm nông và làm biển của người dân nơi đây.
Chiếc tủ chứa đầy chén, bát, đĩa... của nhà ông Võ Văn Chánh, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Ảnh: T.Trực
Xung quanh thôn Châu Thuận Biển ngày nay được bao bọc bởi những cánh đồng cát mênh mông. Một phía tiếp giáp với vùng phố cổ Thu Xà (huyện Tư Nghĩa) thời xa xưa, còn phía kia tiếp giáp biển. Ở giữa thôn bị biển khoét sâu vào bên trong nên từ lâu, người ta đã gọi nơi đây là eo biển Vũng Tàu. Chính vì eo biển Vùng Tàu này nên trong các chuyến hải trình của các thương thuyền ngày xưa, tàu thuyền thường xuyên ghé vào đây để tiếp tế lương thực, nước uống hoặc ghé vào tránh gió bão.
Chính từ đặc điểm địa lý có từ ngàn năm đó, khi tàu thuyền ghé vào gặp hoạn nạn dẫn tới bị chìm và cho đến ngày nay, người ta mới phát hiện vì sao bờ biển thôn Châu Thuận Biển có quá nhiều tàu thuyền bị đắm.
Một chiếc đĩa thuộc dòng gốm Chu Đậu, khoảng thể kỷ XIII-XV. Ảnh: T.Trực
Nói "ngọn nguồn" như thế để thấy rằng, sở dĩ vì sao chuyện ngư dân nhặt được cổ vật về đây trưng bày trong các tủ kính hoặc bỏ lăn lóc trong các góc nhà "nhiều không đếm xuể" - như lời một cán bộ xã Bình Châu nói. Thậm chí với đa phần là người dân làm nghề lặn, những vị trí có cổ vật quý trên các con tàu cổ đắm trên biển, nhiều ngư dân nắm rõ tọa độ, đặc điểm cổ vật dưới tàu.
Để minh chứng cho cái nhiều của cổ vật, chúng tôi tới nhà ông Võ Văn Chánh, ngụ xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển. Căn nhà cấp 4 khá mát mẽ nằm giữa xóm và khác "nổi" lên so với nhiều nhà dân khác xung quanh nhờ một bộ sưa tập các loại ốc. Cạnh đó, trong tủ kính nằm ngay phòng khách được trưng bày hàng trăm chén, đĩa, bát, lọ... bằng gốm, sứ có niên đại khác nhau.
Anh Nguyễn Nam, người dẫn chúng tôi đi cho biết cổ vật trong tủ ở đây của ông Chánh chỉ là những món hàng như hũ da trâu, chén, đĩa có niên đại khoảng 200 năm... để chơi cho vui chứ những cái có giá trị đã cất kỹ hết, không trưng bày ở đây. "Ông Chánh là người nổi tiếng nhất vùng này, cổ vật của ổng có nhiều loại khác nhau lắm. Có loại độc bản có giá trị đến cả tỉ đồng. Dân chơi đồ cổ thèm thuồng lắm nhưng ổng nhất định không bán", anh Nam nói.
Những loại đĩa như thế này có mặt ở hầu hết nhà người dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Ảnh: T.Trực
Theo lời ông Chánh, đa số những loại cổ vật ông có được nhờ quá trình "thâm niên" mấy chục năm làm nghề lặn. "Mình lặn bắt hải sâm, bắt cá khi gặp chén, bát hoặc ly, bình... nhặt về trưng trong nhà cho vui. Chứ lúc đầu tôi cũng không biết nó có giá trị mấy. Đến khi có người này, người kia tới hỏi mua, tôi tìm hiểu mới biết có nhiều loại có giá trị lớn", ông Nam kể.
Làng có cổ vật nhiều nhất miền Trung
Rời nhà ông Chánh, khi tới nhà ông Nguyễn Cảnh, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, chúng tôi cũng không khỏi "choáng" ngợp với hình ảnh hàng trăm món đồ gốm sứ được trưng dày đặc trong chiếc tủ kính đặt ngay phòng khách. Theo lời ông Cảnh, bấy nhiêu giá trị gì, dân ở đây rất nhiều người có những món hàng "độc".
Đa phần người dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu có tủ trưng bày đồ cổ và các loại ốc nhặt được từ biển. Ảnh: T.Trực
Nói xong, ông Cảnh vào trong lấy cho tôi một chiếc đĩa tráng men xanh, đường kính khoảng 25 cm, in hình hoa lá bên trong. Ông Cảnh cho biết đây là đồ gốm Chu Đậu, khoảng thế kỷ XV. "Tôi nhặt được chiếc đĩa này lúc lặn ở xung quanh thôn cách đây khoảng 15 năm trước. Để mãi trong tủ chén bát của gia đình nên không dùng tới. Đến khi dọn dẹp lại nhà cửa mới phát hiện ra", ông Cảnh kể.
Cũng theo lời ông Cảnh, cách đây chục năm về trước, đồ gốm sứ men xanh, men nâu... người dân ở làng chài quanh đây có rất nhiều. Hầu như nhà nào cũng có vài ba chục cái đĩa tráng men xanh. Bởi trong lúc lặn bắt hải sâm, bắt cá... Nếu ai lượm được còn nguyên đem về cất giữ mới còn đến ngày nay. Còn những ai không biết giá trị, họ nhặt xong đem về dùng nên hư hỏng. Có người khi nhặt xong đem về bán lại với giá trị rất thấp.
Một chiếc đĩa tráng men xanh in hình rồng được khai quật từ bờ biển thôn Châu Thuận Biển. Ảnh: T.Trực
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, nhận định vùng biển thôn Châu Thuận Biển ngày xưa vốn là nơi giao thương rất đông đúc, trung chuyển hàng hóa trên con đường gốm sứ, tơ lụa trên biển. "Khi tàu vào đây có thể bị gió bão đánh chìm hoặc có tàu bị hỏa hoạn nên toàn bộ hàng hóa, gốm sứ, tơ lụa bị đánh chìm theo. Đó cũng là nguyên nhân vì sao trong thời gian qua phát hiện nhiều tàu cổ bị đắm ở đây và cũng là nguyên nhân vì sao người dân ở đây sở hữu nhiều cổ vật, gốm sứ thuộc loại bậc nhất ở các làng ven biển của cả nước", ông Khôi nói.
Bình luận (0)