Sáng 12-9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, giao Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn có: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng… cùng sự tham gia của khoảng gần 500 đại biểu.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với sự tham dự của hơn 500 đại biểu
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho rằng để người nông dân sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, phải liên kết, hợp tác nhiều người nông dân với nhau. Nếu nhỏ lẻ, manh mún thì chắc chắn không hiệu quả. Nếu chúng ta có quy mô đủ lớn thì chúng ta mới đứng vững và có tiếng nói trên thị trường, đồng thời có thể quyết định cung cầu và giá cả của thị trường.
"Đây chính là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, là quy luật khách quan, không phải chúng ta muốn hay không muốn mà được. Sản xuất theo quy luật của thị trường chính là sản xuất chuyên nghiệp nhất"- ông Nghị nói.
Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
Cùng với đó, phải có khoa học công nghệ cao, phải có cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số… để hạ giá thành đầu vào. Bài học của Israel đã minh chứng rõ nhất điều này. Công thức của họ là: Khoa học công nghệ cao + Hợp tác xã = Thành công. Do đó, chúng ta phải áp dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ mới mong hướng đến nền sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra những nông dân chuyên nghiệp.
Thứ ba, thời đại hiện nay là thời đại của thương hiệu. Nếu có thương hiệu giá trị sản phẩm có thể tăng gấp 10, 20 lần. Mà muốn có thương hiệu lại quay về câu chuyện liên kết hợp tác để có chỉ dẫn địa lý, truy gốc nguồn gốc… Từ đó mới có một thương hiệu được xây dựng bài bản và có giá trị lâu dài.
Thứ tư, chúng ta nói rất nhiều đến các mối liên kết "3 nhà", "4 nhà" rồi "6 nhà" nhưng chưa trả lời được câu hỏi tại sao liên kết các nhà đều không thành công?. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 "nhà": Nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng.
"Khi mất mùa được giá thì nông dân "bẻ kèo", được mùa rớt giá thì doanh nghiệp "bẻ kèo". Do đó, 2 "nhà" này cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Tôi cho rằng để hạn chế tình trạng "bẻ kèo" chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn"- ông Nghị nêu quan điểm.
Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH
Đáp lại phát biểu của ông Nghị, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH, cho rằng thực tế các doanh nghiệp đều mong muốn xây dựng được vùng nguyên liệu. Vấn đề là làm sao xây dựng được chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp.
Có một thực tế là hiện nay nhiều nông dân đang bơ vơ không biết sản xuất cái gì để bán cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng rất mong muốn xây dựng được một vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và minh bạch.
Phía doanh nghiệp không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ. "Chúng tôi kết nối với nông dân thông qua các hợp tác xã. Tuy nhiên, có một thực tế khi triển khai, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia các hợp tác xã. Vấn đề cốt lõi là làm sao xây dựng được hợp tác xã kiểu mới và ai là người tham gia. Khi nông dân tham gia hợp tác xã thì người nông dân được cái gì?"- ông Dũng nói.
Bình luận (0)