Chiều 4-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Tại thời điểm phiên họp diễn ra, Việt Nam đã ghi nhận ca thứ 10 nhiễm virus corona.
Đỉnh dịch rơi vào lúc nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nước ta đã kiểm soát tốt tình trạng lây lan, chuẩn bị cơ sở vật chất tại các bệnh viện, huy động cán bộ, chuyên gia để chữa trị thành công cho các bệnh nhân nhiễm nCoV, kể cả bệnh nhân Trung Quốc. Dù vậy, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp nên không được chủ quan mà cần đề cao cảnh giác, chuẩn bị đầy đủ các phương án.
Về thời điểm đỉnh dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV - cho biết một số ý kiến nhận định 2 tuần nữa sẽ là đỉnh điểm của dịch nhưng cũng có quan điểm cho rằng phải từ 1 đến 1 tháng rưỡi nữa mới là đỉnh dịch. Trên thế giới đã từng có bệnh dịch kéo dài từ 5-6 tháng mới lên đỉnh dịch. "Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng ngày đã thông báo tất cả các thông tin về thuốc đặc trị đều chưa chính thức"- Phó Thủ tướng cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết một số chuyên gia nhận định từ 7-10 ngày tới sẽ là đỉnh dịch ở Trung Quốc. Các ca nhiễm bệnh và tử vong ở Trung Quốc đang tăng nhanh. 10 trường hợp nhiễm virus corona ở Việt Nam có thể phân ra thành 2 thế hệ: Thế hệ F1 là những người trở về từ vùng dịch và nhiễm bệnh; thế hệ F2 là trường hợp tiếp xúc, lây bệnh từ những người có bệnh trở về từ vùng dịch. Việc kiểm soát, cách ly 14 ngày đối với những người từ vùng dịch trở về là biện pháp mạnh mẽ và có hiệu quả nhất mà Việt Nam triển khai, khác biệt với phương án chống dịch SARS hồi năm 2003.
Đại diện Bộ Y tế cho biết bộ đang hoàn thiện một số phác đồ điều trị bệnh nhiễm virus corona dựa trên kết quả điều trị thành công 4 ca bệnh vừa qua, sau đó sẽ sớm thử nghiệm và áp dụng một số loại thuốc.
Lực lượng chức năng Móng Cái, Quảng Ninh thăm khám sức khỏe cho người dân để phòng dịch do virus corona Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Cấp phép chuyến bay đưa người Trung Quốc về nước
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông tin tính đến ngày 4-2, đã có 59 tỉnh, TP cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng dịch. Hầu hết các địa phương đã tiến hành tẩy trùng trường học. Tại TP Vũ Hán - Trung Quốc có 302 du học sinh Việt theo học, trong đó 281 du học sinh đã về ăn Tết. Đối với các du học sinh đang ở Vũ Hán, Thủ tướng chỉ đạo các bộ - ngành tạo thuận lợi để các em về nước, sau đó theo dõi và thực hiện các biện pháp cách ly.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tinh thần "chống dịch như chống giặc" và yêu cầu các bộ - ngành, địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly 14 ngày đối với người trở về từ vùng dịch, kể cả công dân nước khác đi qua Trung Quốc, sau đó đến Việt Nam. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng kiểm soát nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu.
Trước đề xuất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc cấp phép bay cho các hãng hàng không chở hành khách Trung Quốc từ các tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang về nước, Thủ tướng đã đồng ý ngay tại phiên họp và yêu cầu chỉ chở khách Trung Quốc về nước, chiều ngược lại không được chở khách. Đồng thời, khi về tới Việt Nam, máy bay phải được tiêu độc, khử trùng theo quy định.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ liên quan phân tích, tính toán, rà soát, điều chỉnh để xử lý các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực. Triển khai ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu các tác động về kinh tế do dịch.
"Chúng ta đã nói là chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân nhưng chúng ta cũng phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Một số ngành như hàng không, du lịch, nông nghiệp cần có phương án tái cơ cấu sớm phù hợp với tình hình" - Thủ tướng chỉ đạo.
ASEAN tăng cường hợp tác chống dịch
Ngày 4-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo về hợp tác giữa các nước ASEAN nhằm đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN, đã gửi thư đến các nước ASEAN thể hiện tinh thần phối hợp hành động chung phòng chống dịch corona. Việt Nam đã đề xuất ASEAN thành lập Nhóm công tác chung cấp bộ trưởng với sự tham gia của các cơ quan về vận tải, xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, lãnh sự... và sẽ sớm tổ chức họp trực tuyến để kịp thời chia sẻ thông tin và điều phối hành động của các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí cần tăng cường sự phối hợp không chỉ trong ASEAN mà còn giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân các nước ASEAN bị tác động bởi dịch bệnh.
D.Ngọc
Bình luận (0)