Ngày 29-12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tiếp tục ngày làm việc thứ 2 và phiên bế mạc.
Năng suất lao động thua Lào
Báo cáo về tình hình chung của ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá xuất khẩu là điểm sáng của năm 2017 khi tăng trưởng chung ở mức cao. Mức tăng trưởng từ các thị trường riêng như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc đều khá cao, từ 17%-50%.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành công thương cũng thừa nhận tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn tương đối phổ biến. Quản lý thị trường đang được tổ chức theo ngành dọc và cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thực thi công vụ.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhắc tới việc năng suất lao động người Việt Nam chỉ bằng 1/5 người Malaysia, 1/15 người Singapore, khoảng 87% người Lào và cho rằng chúng ta đang thiếu giải pháp căn cơ cải thiện vấn đề này. Ông Dung đánh giá đây là yếu tố cần thiết để cạnh tranh quốc tế song ta đang thiếu hẳn nguồn lực lao động có thể đáp ứng yêu cầu tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Chính phủ và các địa phương cần coi trọng vấn đề này để có đầu tư nhiều hơn cùng với các giải pháp căn cơ. Bộ trưởng lưu ý một số giải pháp như đổi mới, áp dụng công nghệ cao hay chuyển dịch lao động từ các ngành năng suất thấp sang ngành có năng suất cao…
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thành công năm 2017 là nền tảng rất quan trọng cho năm 2018 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, áp lực cũng sẽ rất lớn bởi khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, muốn bảo đảm tăng trưởng 6,7% (theo mục tiêu đề ra năm 2018 - PV), cần nhiều sản phẩm mới và sự gia tăng của các sản phẩm truyền thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với các địa phương để triển khai nhiệm vụ năm 2018 Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng cũng nhắc trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, phải tránh tình trạng coi tái cấu trúc xong rồi là thôi, mà cần thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp.
Về phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án trọng điểm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) rà soát lại để báo cáo các giải pháp phát triển những dự án BOT; báo cáo quy hoạch tổng thể, kế hoạch huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT bằng các nguồn lực xã hội hóa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư để sớm giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng năm 2020-2021; đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành; hoàn thiện phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất…
Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự đồng thuận của hội nghị về Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng năm tới ít nhất là 6,7%.
Để đạt mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu có chuyển biến mạnh mẽ hơn về sức sống nội tại, sản phẩm quốc gia; trong đó, lưu ý tăng trưởng nằm ở địa phương. Địa phương mạnh, Chính phủ sẽ mạnh, trung ương sẽ mạnh. "Cà Mau có doanh nghiệp sản xuất tôm thu về 700 triệu USD. Nếu tạo điều kiện để doanh nghiệp đó đạt đến mức 1 tỉ USD tức là doanh nghiệp tôm lớn nhất thế giới chính là 1 doanh nghiệp của Việt Nam, ở Cà Mau. Phải có những mơ ước, những sản phẩm như vậy" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD. "Đó phải là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta mới phải khi thu nhập trung bình của người dân vẫn quá thấp như vậy" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận với Thường trực Chính phủ để ngay chiều 29-12 hoặc muộn nhất là đầu tháng 1-2018, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký Nghị quyết 01 kèm theo 242 loại công việc cụ thể để các ngành, địa phương bám vào thực hiện ngay những ngày đầu năm mới. "Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" - Thủ tướng nhắc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nâng cao trình độ, trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ, nhất là những cấp liên quan đến cơ sở, người dân. Phải hành động kịp thời với quyết tâm cao nhất, Chính phủ phục vụ nhân dân thì không thể để dân khúc mắc mà phải lắng nghe, tháo gỡ.
Bình luận (0)