Bộ Tài chính cho biết quỹ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp hiện chiếm 50% mức chi ngân sách thường xuyên, tương đương trên 31% tổng chi ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính kiến nghị kế hoạch, giải pháp tạo nguồn cho cải cách tiền lương có tính tới cả giai đoạn sau năm 2020 tiếp tục bằng việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên, sớm hoàn thành xác định vị trí việc làm, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (trái) và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng Ảnh: Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: Đề án cải cách tiền lương mà Ban Chỉ đạo tập trung xây dựng trình Trung ương Đảng nhằm giải quyết các bất hợp lý hiện nay đối với chính sách tiền lương là cào bằng, không kích thích được lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nhìn nhận trả lương phải theo cấp bậc, vị trí việc làm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xác định rõ cơ cấu chi thường xuyên (trừ quỹ lương) để đề xuất cắt giảm những khoản không phù hợp với thực tiễn, tạo thêm nguồn cải cách tiền lương. Cần bám sát việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đầu mối cơ quan, đơn vị để kéo giảm các chi phí như khánh tiết, hành chính, điện, nước, tăng cường thuê các dịch vụ của tư nhân.
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng gợi ý các thành viên của Ban Chỉ đạo và Bộ Tài chính xem xét tới giải pháp tăng cường nguồn lực của ngân sách, tạo nguồn cho cải cách tiền lương như "minh bạch" một phần nền kinh tế "phi chính thức" (các giao dịch kinh tế không có chứng từ, hóa đơn).
Bình luận (0)