Đại diện lãnh đạo huyện Cát Hải lên tiếng phản bác, khẳng định toàn bộ rác thải từ số đèn hoa này đã được gom dọn sau đó, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Hoa đăng thả xuống biển Cát Bà hôm lễ Vu lan
Ba vạn chiếc đâu phải ít, việc thu gom nếu nỗ lực tối đa cũng không thể nào sạch tuyệt đối, chắc chắn có một lượng rác thải nhựa đã chìm xuống biển và sẽ gây họa về sau.
Vấn đề đặt ra không chỉ là có thu gom hay không mà là tại sao phải dùng tới một lượng vỏ đèn nhựa và xốp lớn thế kia và nhằm ngay đại dương vốn cần xanh, sạch mà thả?
Đại diện lãnh đạo huyện Cát Hải và những tổ chức cùng chủ trì buổi thả hoa đăng báo hiếu ấy dù có cố gắng giải thích song không thể từ chối được đó là việc làm phản cảm.
Không chỉ phản cảm mà còn đi ngược chủ trương của Chính phủ ta và lời kêu gọi cũng như hành động của thế giới trong việc tuyên chiến rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Rất vô lý khi phải tốn một khoản tiền không nhỏ để có 30.000 chiếc hoa đăng đem thả trôi rồi sau đó phải huy động lực lượng dọn dẹp, xử lý, tức là tốn kém đôi đường.
Thả hoa đăng là nghi thức truyền thống có từ lâu đời ở nước ta, thường được tổ chức vào lễ Phật đản, Vu lan, những ngày rằm... nhằm cầu siêu cho những người đã khuất.
Nghi thức tâm linh ấy cũng gửi gắm lời nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống loài người thanh bình, an lạc. Vào lễ Vu lan, thả hoa đăng mang ý nghĩa báo hiếu.
Nhưng báo hiếu là một dạng thức văn hóa nên có thể được thể hiện bằng nhiều cách, như thả tượng trưng chỉ một ít hoa đăng và chất liệu làm vỏ đèn phải thân thiện môi trường.
Chứ còn với cả 30.000 đèn hoa được làm từ bát nhựa như thế, báo hiếu cho ai chưa biết song đã thấy Mẹ thiên nhiên lại oằn mình chịu đựng một lượng rác thải "tống" thẳng xuống.
Nên nhớ Việt Nam "bị" xếp thứ tư thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Rác thải nguy hại đang thực sự là mối đe dọa với từng nhà cũng như sự phát triển của quốc gia.
Tập tục thả hoa đăng thật sự đã ngự sâu trong đời sống tinh thần của cộng đồng, cần được duy trì nhưng song song đó phải ngăn chặn sự biến tướng, chệch hướng sai trái của nó.
Giải pháp khá đơn giản, đó là giáo dục. Chính những nơi tổ chức thả hoa đăng phải gương mẫu trong việc thực hiện nghi thức sao cho tối giản song vẫn bảo đảm ý nghĩa, thành tâm.
Bài học về sống đẹp được truyền dạy qua việc thực hành những nghi lễ này chứ từ đâu nữa, dễ thấm và lan tỏa. Nếu làm trái, tức là đi ngược lại chủ ý tốt đẹp của chính chúng ta.
Như huyện Cát Hải, dù đã có kế hoạch hành động nói "không" với sản phẩm nhựa dùng một lần nhưng lại tổ chức thả 30.000 vỏ đèn nhựa xuống biển, rõ là nói một đằng - làm một nẻo.
Thực hành tiết kiệm và xây dựng lối sống lành mạnh cũng như bảo vệ môi trường là những chủ trương lớn, muốn thành công phải kiên quyết chống lại tình trạng "đánh trống bỏ dùi"!
Bình luận (0)