Trung tâm Điều dưỡng Người có công Thanh Hóa (tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 rộn rã tiếng cười. Trong khuôn viên trung tâm, các cán bộ, y, bác sĩ công tác tại đây đang cố gắng hoàn tất những phần việc của mình để cho các thương binh nặng, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, chất độc da cam... đón một cái Tết vui tươi, ấm áp.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công, đang mời bánh kẹo các bác thương, bệnh binh tâm thần nặng
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công. cho biết Tết năm nay rất đặc biệt với trung tâm do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều người không thể về quê đoàn tụ cùng gia đình, vì thế để những người ở lại có một cái "Tết sum vầy" đầm ấm, trung tâm đã lên các phương án chuẩn bị thực phẩm, gói bánh, trang hoàng phòng tập thể, khuôn viên.
"Chúng tôi cố gắng chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể để những người có công ở lại ăn Tết tìm thấy niềm vui, xem trung tâm như chính ngôi nhà và những cán bộ, y, bác sĩ như những người thân của họ"- ông Thư chia sẻ.
Cán bộ của trung tâm trang hoàng lại khuôn viên để chuẩn bị đón Tết
Theo ông Thư, Trung tâm Điều dưỡng Người có công Thanh Hóa hiện đang phụng dưỡng 238 người. Trong đó, thương bệnh binh tổng hợp 45 người; thương bệnh binh tâm thần 70 người; thân nhân liệt sĩ 28 người; chất độc da cam 95 người. Hầu hết các thương, bệnh binh sức khỏe yếu, nhiều thương bệnh binh hay bênh nhân da cam phải chăm sóc phục vụ tận giường.
Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, gần như 100% thương, bệnh binh tâm thần và một số ít thương, bệnh binh khác cũng sẽ ở lại đón Tết tại trung tâm. Chính vì thế, trung tâm đã huy động cán bộ, nhân viên tại đây gói khoảng 300 cái bánh chưng, chuẩn bị nhiều thực phẩm hơn mọi năm. "Tết tại đây vẫn đủ đầy như mọi nhà, như có bánh chưng, có giò, thịt đông, có hoa đào, bánh kẹo... Tối hát hò, giao lưu văn nghệ vui lắm"- bà Trần Thị Súy (xã Nga Trường, huyện Nga Sơn) chia sẻ.
Trung tâm tổ chức gói bánh chưng để những người có công ở lại được đón Tết vui vẻ, ấm áp
Năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên rất đông thương, bệnh binh ở lại ăn Tết nên trung tâm đã tổ chức gói 300 chiếc bánh
Bà Súy năm nay 71 tuổi, do bị nhiễm độc chì nặng nên trung tâm chính là ngôi nhà thứ 2 của bà. Năm 1968, bà lên đường ra trận khi mới 18 tuổi và làm ở Phòng thí nghiệm, Cục xăng dầu - Tổng cục Hậu cần, chuyên mảng nhiên liệu máy bay. Do làm ở môi trường độc hại, bà Súy bị nhiễm độc chì nặng, mất hoàn toàn khả năng làm mẹ.
Do sức khỏe yếu, nên tháng 1-1985, bà chuyển vào sống tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa. Từ đó cho đến nay, nhiều năm bà ăn Tết ở tại trung tâm, cũng nhiều năm cứ về vài ngày trước Tết bà lại quay lại ngôi nhà gắn bó phần đời còn lại của mình. "Nhà bác có 8 anh, chị, em nhưng chỉ có bác thiếu may mắn khi không có gia đình. Sức khỏe thì yếu, thường xuyên phải nhập viện điều trị, nhưng hàng chục năm sống ở trung tâm, bác thấy đây như ngôi nhà của mình. Tết cứ tranh thủ về quê thăm anh em, họ hàng ít hôm lại thấy nhớ và muốn nhanh chóng lên đây thôi"- bà Súy tâm sự.
Cùng các thương, bệnh binh trang hoàng phòng tập thể để đón giao thừa
Trong căn phòng nhỏ của mình, bà Súy cũng dựng một chiếc bàn thờ nhỏ để thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà bảo dù được người thân đón về quê ăn Tết, nhưng năm nào bà cũng chuẩn bị tươm tất các đồi Tết để thắp hương dâng lên Bác và Đại tướng rồi mới yên tâm về.
Cũng gắn bó với trung tâm rồi nên duyên vợ chồng từ chính mái nhà này, vợ chồng ông bà Thái Quang Dũng (quê TP Thanh Hóa), Trịnh Thị Hoa (quê Nga Thạch, huyện Nga Sơn) cũng nhiều năm ở trung tâm đón Tết qua Giao thừa mới về nhà. 2 vợ chồng ông Dũng trước đây chẳng có nhà cửa, nhờ sự quan tâm hỗ trợ ông bà đã có một căn nhà riêng ở gần trung tâm. Vì thế, dù có nhà riêng nhưng vợ chồng ông bà xem trung tâm chẳng khác nào ngôi nhà thứ 2 của mình.
Bà Trần Thị Súy (người đã 36 năm gắn bó với trung tâm) cho biết bà cũng có nhiều năm ăn Tết ở trung tâm và thấy ấm áp, thân thương như ngôi nhà của mình
"Dù trước đây còn nhiều khó khăn, hay như bây giờ được quan tâm rất nhiều từ các cấp chính quyền, nhà hảo tâm... nhưng Tết ở trung tâm bao giờ cũng ấm áp. Vui Xuân, đón Tết ở đây cũng như ở nhà mình, bởi sự gần gũi, quan tâm của cán bộ, các y, bác sĩ"- ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Thư cho biết do trung tâm chăm sóc những người rất đặc biệt nên Tết ở trung tâm cũng đặc biệt hơn nhiều so với những nơi khác. Ngoài việc lo Tết cho thương, bệnh binh, cán bộ, y, bác sĩ ở trung tâm còn phải luôn luôn sẵn sàng lên đường, vì các bác toàn những người sức khỏe yếu, chỉ cần chuyển bệnh là phải đi bệnh viện ngay. "Dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành công việc của mình, để bác các cảm thấy vui vẻ, xem trung tâm như chính ngôi nhà của mình"- ông Thư bộc bạch.
Bình luận (0)