Những ngày qua thời tiết nắng nóng gay gắt ở mức 39 - 40 độ C khiến điều kiện làm việc của các "chiến sĩ áo trắng" trở nên khó khăn hơn, nhất là khi toàn thân phải bọc kín trong những bộ trang phục bảo hộ để lấy mẫu xét nghiệm trong nhiều giờ liên tục.
Nóng bức, dễ choáng và ngất
Tại xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - nơi có hơn 3.500 người dân trong xã cần phải lấy mẫu xét nghiệm sau khi địa phương này ghi nhận các ca mắc Covid-19. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gồm 60 nhân viên y tế về hỗ trợ địa phương. Việc lấy mẫu được diễn ra ngay trong buổi trưa, ngoài sân nắng nóng nên các nhân viên y tế đã kiệt sức. Điều dưỡng Nguyễn Văn Quyền (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết do tính chất công việc gấp gáp lại làm việc trong cái nóng gần 40 độ C, người mặc trang phục bảo hộ kín mít nên nếu không phân chia, luân phiên công việc thì nhiều người có thể rơi vào tình trạng mất nước, khó thở, choáng, ngất.
Bộ đồ bảo hộ được gắn quạt cho nhân viên y tế công tác vùng dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người đứng đầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, cho biết trong cuộc chiến với dịch bệnh tại Bắc Giang lần này, vấn đề quan ngại và lo lắng nhất là việc bảo đảm sức khỏe và an toàn cho lực lượng nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo yêu cầu tất cả đoàn công tác phải bảo đảm sức khỏe bằng việc tăng cường dinh dưỡng, thời gian lấy mẫu bố trí hợp lý để ứng phó với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt (buổi sáng từ sáng sớm đến 9 giờ và buổi tối từ 19 giờ đến 23 giờ).
Ông Sơn cũng cho biết Bộ Y tế đang giao các đơn vị liên quan nghiên cứu và cho thử nghiệm trang phục bảo hộ có khả năng hút khí từ bên ngoài vào giúp giảm nhiệt cơ thể, nếu thành công sẽ cho triển khai nhân rộng trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thiết bị làm mát toàn thân
Về các trang phục bảo hộ trong phòng chống dịch Covid-19, PGS-TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế, cho biết đơn vị đã thử nghiệm để một nữ cán bộ mặc bộ bảo hộ chống dịch để đánh giá nhưng chỉ sau 2 giờ người này đã ngất xỉu.
Theo quy định, nhân viên tham gia chống dịch bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ 4 cấp, tùy vị trí làm việc. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng gay gắt như ở Bắc Giang, Bắc Ninh những ngày này, việc mang trang phục bảo hộ chống dịch liên tục, thậm chí không thể đi vệ sinh, khó bù đủ nước... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của lực lượng chống dịch, có khi kiệt sức, ngất xỉu.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã chế tạo thiết bị làm mát để trang bị cho những người phải mang các bộ bảo hộ đặc biệt, trong môi trường khắc nghiệt do nhiệt độ cao. Thiết bị này có quạt đeo cá nhân, giúp đưa không khí bên ngoài vào phía trong bộ bảo hộ. Ngay trong sáng 1-6, viện đã đến Bắc Giang để thử nghiệm lắp thiết bị làm mát trong các trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế vùng dịch.
Theo ông Hải, thiết bị làm mát thông gió cá nhân sử dụng quạt đeo được thiết kế với mức tối giản để không tác động đến tính năng, kết cấu của bộ trang phục bảo hộ. "Chúng tôi dùng một chiếc quạt máy kết nối với hệ thống pin sạc, có 4 cấp độ làm mát với thời gian sử dụng tối đa lên tới 10 giờ. Chiếc quạt này được gắn vào phía trong của bộ trang phục nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của trang phục bảo hộ. Sau thử nghiệm, những người mặc trang phục bảo hộ đều cho biết có cảm giác mát và dễ chịu hơn rất nhiều" - ông Doãn Ngọc Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết Bộ Y tế đề xuất viện hỗ trợ 500 thiết bị làm mát để đưa đến tâm dịch Bắc Giang. Tuy nhiên, hiện viện mới chỉ có một số lượng nhỏ sản xuất thử nghiệm. "Chúng tôi là viện nghiên cứu nên không có kinh phí sản xuất và mong muốn có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lượng đủ lớn các thiết bị làm mát toàn thân, trang bị cho những người buộc phải mang bộ bảo hộ chống dịch, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng" - PGS Doãn Ngọc Hải chia sẻ.
Bình luận (0)