Tại TP HCM, qua ghi nhận thực tế sau 4 ngày Nghị định số 105/2017/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 105) của Chính phủ ngày 14-9-2017 có hiệu lực (từ ngày 1-11-2017) về kinh doanh rượu, khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy chỉ có một số cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh rượu có thương hiệu mới treo bảng "Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi", chủ các cơ sở kinh doanh khác đều cho biết hầu như không quan tâm, không để ý.
2 vấn đề rất khó thực hiện
Phố rượu nằm trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) lúc nào cũng tấp nập người mua và ít người nắm bắt về Nghị định 105. Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Ngọc Lan, chủ một cửa hàng rượu ở quận 3, bày tỏ: "Việc mua bán rượu là giao dịch dân sự và cơ sở kinh doanh không thể không bán cho người dưới 18 tuổi. Ví dụ, các cháu bảo ba mẹ nhờ con đi mua thì chẳng lẽ không bán, mà bán thì vi phạm pháp luật?".
Cũng theo ghi nhận, hiện trên internet, việc rao bán rượu diễn ra đầy rẫy, chủ yếu rao là hàng xách tay từ nước ngoài về. Các trang Facebook này không nói đến việc sẽ không bán cho đối tượng dưới 18 tuổi.
Ông Nguyễn Công Luân, Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Tân, thừa nhận có 2 vấn đề trong Nghị định 105 rất khó thực hiện. Thứ nhất, lực lượng chức năng không thể đi mật phục ở các cửa hàng để xử lý việc mua bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Giải pháp chỉ có thể là tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người bán rượu. Thứ hai, việc cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên trên internet phải có thông tin từ cơ sở, biết địa chỉ cụ thể thì mới xử lý được.
"Quan điểm của quận Bình Tân là vẫn tiếp tục tuyên truyền. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ mời những người bán rượu tiêu dùng tại chỗ, tức quán ăn, quán nhậu, lên hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Phải cho họ có thời gian nắm bắt, chuẩn bị. Sau 1-2 tháng, ai không chấp hành mới tính đến việc xử phạt" - ông Luân nói.
Cũng theo vị này, hiện 100% cửa hàng kinh doanh rượu trên địa bàn đã được cấp giấy kinh doanh rượu. Riêng các cơ sở tiêu dùng tại chỗ như mấy quán nhậu, quán ăn lúc trước không cần giấy phép kinh doanh rượu, nay cũng áp dụng.
Tại tỉnh Đắk Lắk, phần lớn các hộ kinh doanh, cơ sở mua bán rượu, thậm chí có lãnh đạo chính quyền địa phương cũng không biết Nghị định 105 đã có hiệu lực.Theo một lãnh đạo xã Ea Kpam, hiện chưa nắm được nội dung về việc quản lý kinh doanh rượu nên sẽ tìm hiểu và triển khai.
Ông Trần Vĩnh Quyền, chủ nhà hàng Làng Nướng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nói ông chưa biết quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Nhà hàng của ông bán cả bia lẫn rượu và khách có nhu cầu thì tất nhiên sẽ được đáp ứng. "Nếu có quy định thì cũng khó có cơ sở xác định vì chúng tôi không có quyền yêu cầu khách phải khai báo tuổi. Làm vậy thì ai vào quán nữa, khách hàng là thượng đế, họ yêu cầu bán rượu thì phải bán thôi" - ông Quyền bày tỏ.
Bà Đào Thị Liễu, chủ quán tạp hóa tại phường Hòa Thuận (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), cũng chẳng biết gì về quy định này. Lâu nay ai đến mua thì bà bán chứ không hề phân biệt tuổi tác. Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), cũng cho rằng việc kiểm soát cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là khó khả thi. Rượu không phải là hàng cấm, nhất là các vùng nông thôn vẫn thường buôn bán theo kiểu nhỏ lẻ nên kiểm soát rất khó, thậm chí là không thể.
Trong những cuộc vui, giới trẻ ngày nay vẫn thường có thêm chút bia, rượu và nhà hàng rất khó từ chối bán Ảnh: Hoàng Triều
Chủ động kiểm soát
Các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM cũng cho biết đã chủ động tìm hiểu, cập nhật Nghị định 105 và chấp hành. Hệ thống siêu thị Lotte Mart dán thông báo không bán rượu cho khách hàng dưới 18 tuổi ngay khu vực bán rượu của siêu thị. Hệ thống Co.opmart thì thông tin đến bộ phận kinh doanh và thu ngân không tư vấn, thanh toán hóa đơn trong các trường hợp khách hàng trẻ tuổi mua rượu. Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, trước khi có Nghị định 105, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã chủ động kiểm soát, hạn chế bán rượu mạnh cho khách hàng nhỏ tuổi. Thực tế hầu như không có khách hàng trong độ tuổi dưới 18 đến siêu thị mua rượu.
Sẽ nhắc nhở 1-2 lần
Ông Đoàn Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành, quận 1, TP HCM - cho biết hiện phường này là một trong những nơi tập trung rất đông các nhà hàng, quán ăn kinh doanh bia, rượu. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động, UBND phường vẫn chủ trương hỗ trợ, tuyên truyền chứ chưa tính đến việc xử phạt. "Mặc dù Nghị định 105 có hiệu lực từ ngày 1-11 nhưng phường Bến Thành vẫn chưa thực hiện xử phạt mà chỉ nhắc nhở. Địa phương thống nhất sẽ nhắc nhở 1-2 lần không được mới xử phạt. Nếu làm gắt gao quá thì đơn vị kinh doanh nản, dẫn đến ngưng hoạt động thì khổ" - ông Vinh nói.
Ông Lê Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk:
Chưa nhận được hồ sơ đăng ký nào
Sau khi Nghị định 105 có hiệu lực, chính quyền xã đã thông báo cho từng thôn, buôn, để triển khai cho các hộ gia đình nấu rượu thủ công thực hiện. Tuy nhiên đến nay, xã chưa nhận được hồ sơ đăng ký nào. Riêng với việc kiểm tra, xử lý cá nhân bán rượu cho người dưới 18 tuổi thì bước đầu chính quyền sẽ tuyên truyền, vận động người dân chấp hành. Nếu nhiều lần tuyên truyền mà không thực hiện thì sẽ xử lý theo quy định.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:
Không thể làm ngay
Việc cấm bán bia rượu hay những thức uống có cồn cho người dưới 18 tuổi là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân cũng như hạn chế được những hệ lụy khó lường khác cho xã hội. Mặc dù bia rượu cũng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có luật về phòng chống tác hại đối với những mặt hàng này mà chỉ dừng lại ở chính sách quốc gia. Do đó, rất khó để xử lý đối với những người bán cũng như người mua hoặc sử dụng rượu bia khi đang dưới 18 tuổi.
Hơn nữa, hiện mạng lưới phân phối mặt hàng bia rượu khá dày đặc từ thành thị đến nông thôn, trong khi ngành công thương chưa kiểm soát tốt. Muốn quản lý tốt lĩnh vực này thì ngành công thương phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp cơ sở để kiểm tra, giám sát các điểm phân phối, các hàng quán có bán thức uống có cồn tại những khu vui chơi giải trí không cố định để tiến tới xử phạt thì mới có tác dụng chứ không thể làm ngay là được.
Ông Nguyễn Văn Phục - chủ quán nhậu ở xã Hòa Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau:
Không thể kiểm tra CMND của khách
Tôi cho rằng việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là đúng nhưng khó thực hiện. Chúng tôi sẵn sàng tuân thủ quy định của pháp luật, song trong làm ăn thì mình không thể xét giấy tờ của khách được. Vậy thì làm sao biết khách có dưới 18 tuổi hay không. Tôi nghĩ rằng quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi thật sự làm khó chủ quán. Nếu vi phạm thì bị phạt, mà kiểm tra khách thì ai tới quán mình nữa. Kiểu này chắc dẹp quán sớm.
Bà Phùng Minh Thơ - Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu:
Khó xử phạt
Quy định đưa ra để làm căn cứ điều chỉnh hành vi người uống rượu chứ khó áp dụng vào thực tiễn. Việc kiểm soát mua bán rượu cho người dưới 18 tuổi đương nhiên là phải giao về cho từng địa phương quản lý. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng hơn quá nhiều so với số lượng các quán nhậu và người nhậu thì việc kiểm soát này quá khó. Không có địa phương nào có đủ lực lượng để kiểm tra hết các quán xem có bán rượu cho người dưới 18 hay không thì răn đe bằng cách nào. Việc này cũng như cấm hút thuốc lá nơi công cộng vậy. Chủ yếu là có chế tài để điều chỉnh hành vi còn để đi vào nền nếp, xử lý triệt để thì cần phải có lộ trình rất dài.
C.NGUYÊN - D.NHÂN - TH.NỐTghi
Bình luận (0)