Câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh sau 37 năm công tác chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng xôn xao thời gian qua không còn là cá biệt. Thậm chí ở nhiều địa phương, lương hưu của giáo viên mầm non còn thấp hơn thế.
Quá sức tưởng tượng
Từ năm 2015 đến nay, tại Thanh Hóa có hàng trăm giáo viên mầm non về hưu với mức lương hưu chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Trong đó, người cao nhất chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng, thấp nhất 520.000 đồng/tháng
Chúng tôi đến huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nơi có nhiều cựu giáo viên mầm non hưởng mức lương hưu thấp như nói trên. Gặp chúng tôi, nhiều người không giấu được nỗi niềm dồn nén bấy lâu nay.
Cô Nguyễn Thị Loan (giáo viên mầm non về hưu ở xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa) trải lòng: "Ngay từ những năm đầu đất nước vừa giải phóng, trường mới được thành lập, chúng tôi đã có mặt để cùng địa phương đưa trẻ đến trường. Thời điểm đó, đất nước còn khó khăn, chế độ đãi ngộ chưa có gì, chúng tôi chỉ nhận được mỗi tháng vài kg lúa, khoai sắn hoặc vài công điểm ít ỏi. Trường lớp, bàn ghế không có, phải học nhờ ở nhà kho, nhà văn hóa… nhưng chúng tôi vẫn bám lớp, bám trường. Cống hiến cả đời cho nghề giáo, đến lúc nghỉ ngơi lại phải vất vả lo cho cuộc sống gia đình".
Bà Trần Thị Xuyến tủi thân với lương hưu 830.712 đồng/tháng sau 38 năm cống hiến
Cô Nguyễn Thị Loan cho biết bà cũng như nhiều giáo viên khác có từ 36 năm công tác trở lên nhưng lương hưu chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng. "Lương hưu như vậy còn không đủ mua rau, lấy gì cải thiện cuộc sống. Muốn mua cho cháu cái áo, đôi giày phải đắn đo mãi!" - cô Loan buồn bã.
Cô Lê Thị Lanh: Cách tính lương hưu quá thiệt thòi cho giáo viên
Cô Lê Thị Lanh (ngụ xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa) đi dạy từ năm 1980, quá trình công tác có 10 năm làm hiệu trưởng trường mầm non xã Thiệu Giao (từ năm 1982 đến 1992). Với 37 năm công tác, 22 năm 2 tháng tham gia BHXH, cô Lanh nhận mức lương hưu 1,2 triệu đồng. "Tôi không tin nổi nó thấp như thế. Chúng tôi vốn là giáo viên hợp đồng, về sau chuyển sang biên chế. Quá trình công tác liên tục nhưng BHXH lại cộng dồn 2 giai đoạn rồi chia đều cho số năm để tính lương hưu. Cách tính như thế quá thiệt thòi cho chúng tôi" - cô Lanh nói.
Quyền lợi bị o ép
Cũng theo cô Lanh, kể từ khi có chính sách BHXH, vào năm 2004, để đủ số năm tham gia BHXH bắt buộc khi về hưu, nhiều giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra đóng BHXH cho quãng thời gian từ ngày 1-1-1995 đến năm 2004 (9 năm). Tuy nhiên, khi tính lương hưu, cơ quan BHXH chuyển sang dạng hưu trí tự nguyện dẫn đến quyền lợi bị ảnh hưởng.
Bà Lê Thị Lanh với 37 năm công tác, trong đó 10 năm làm hiệu trưởng,
nhưng lương hưu chỉ có 1,3 triệu đồng
Cô giáo Trần Thị Xuyến (cựu giáo viên mầm non xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa) cho rằng những bất hợp lý trong cách tính lương hưu đã đẩy giáo viên vào tình cảnh khó khăn. "Tôi làm giáo viên trong 38 năm. Ngày 14-5-2015, tôi nhận quyết định về hưu với mức lương 830.712 đồng/tháng, diện BHXH tự nguyện. Sao họ lại có thể đối xử như thế! Tôi tham gia BHXH bắt buộc 19 năm 5 tháng, đóng bù 7 tháng theo quy định (nhà nước hỗ trợ 13%) để đủ 20 năm hưởng BHXH nhưng bị xếp vào diện hưu trí tự nguyện" - cô Xuyến bất bình.
Cô Trần Thị Xuyến: Những bất hợp lý trong cách tính lương hưu đẩy giáo viên vào tình cảnh khó khăn
Đa phần giáo viên mầm non ở các huyện Thiệu Hóa, Như Thanh, Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa đều rơi vào trường hợp như cô Xuyến. Cụ thể, sau khi đóng bù từ 7 tháng đến 55 tháng (tùy trường hợp) để đủ 20 năm hưởng BHXH, họ bị tính theo diện hưởng hưu trí tự nguyện với mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng; thậm chí có người chỉ được 520.000 đồng/tháng.
Người hưởng mức lương hưu thấp nhất này là cô Bùi Thị Nhàn (SN 1956; ngụ xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa). Trước khi về hưu, cô Nhàn là hiệu trưởng Trường Mầm non Thiệu Viên. Cô Trần Thị Xuyến cho biết thêm: "Thấy mức lương BHXH tính cho chúng tôi quá thấp, bất hợp lý, 22 GV ở huyện đã làm đơn gửi BHXH và UBND tỉnh thì được nâng lên 1,3 triệu đồng/tháng".
Lỗi của cơ chế
Bà Nguyễn Thị Diệp, Trưởng Phòng Chế độ BHXH tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng 200 giáo viên mầm non về hưu đang được BHXH chi trả với mức lương từ 1,3 triệu đồng/tháng trở xuống. Đây là những giáo viên chưa đủ bằng cấp, chưa được vào biên chế, số năm tham gia BXHH không đủ theo quy định. Để bảo đảm quyền lợi, nhóm đối tượng phải truy đóng cho quãng thời gian từ ngày 1-1-1995 đến khi có chính sách BHXH vào năm 2004.
Cũng theo bà Diệp, thời điểm này, do tiền lương rất thấp (290.000 đồng/tháng), trong khi giáo viên chỉ đóng 15% nên dẫn đến mức lương hưu rất thấp. "Cách tính lương hưu của nhóm giáo viên này là cộng dồn tất cả các năm đóng, sau đó chia đều cho thời gian tham gia BHXH để tính lương hưu chứ không tính hệ số như công chức, viên chức ngay từ đầu. Do mức đóng thấp và cách tính như vậy nên lương hưu của các cô nhận được sẽ thấp. Biết là thiệt thòi cho họ nhưng cơ quan BHXH chỉ là người thực hiện chính sách. Cái này vướng từ cơ chế chính sách, muốn gỡ thì phải sửa luật hoặc nhà nước có cơ chế chính sách nào đó để hỗ trợ nhóm đối tượng này" - bà Diện nhìn nhận.
Về hưu đi rửa bát kiếm sống
Do lương hưu quá thấp nên nhiều cô giáo mầm non lúc về hưu đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi nghỉ hưu, cô Lê Thị Lanh đến TP Thanh Hóa xin vào giữ trẻ cho một điểm giữ trẻ tư thục. Cô bày tỏ: "Chồng làm nghề nông ráo mồ hôi là hết tiền. Còn tôi với vỏn vẹn 1,2 triệu đồng lương hưu, nếu không làm thêm thì sống sao được".
Không ít nhà giáo về hưu còn phải đi cấy thuê, làm đồng áng hoặc bỏ quê đến nơi khác giúp việc nhà, rửa chén bát cho các nhà hàng. Cựu nhà giáo Nguyễn Thị Tảo (ngụ xã Thiệu Đô) lo lắng: "Tôi đi rửa bát thuê, mỗi tháng cũng kiếm được từ 2-2,5 triệu đồng, gấp đôi lương hưu. Nghĩ mà thấy tủi phận, giờ khỏe còn làm được chứ vài năm nữa không biết tính sao".
Kỳ tới: Trả lương bằng… khoai, sắn
Bình luận (0)