Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh việc giáo viên Trương Thị Lan, Trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), về nghỉ hưu sau 37 năm làm việc chỉ được nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đã nắm được vụ việc này và trao đổi với các bộ, ngành liên quan để có điều chỉnh phù hợp.
"Tôi rất trăn trở"
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trường hợp lương hưu quá thấp như cô giáo Trương Thị Lan là thực trạng phổ biến. "Con số cụ thể đang thống kê nhưng theo tôi, số lượng này không ít, nhất là các giáo viên mầm non. Thực tế lương khởi điểm của các thầy cô rất thấp do chế độ, chính sách chưa bảo đảm. Đây là những vấn đề cần ưu tiên chỉnh sửa" - ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Cũng theo bộ trưởng GD-ĐT, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 vừa qua cũng đã nêu việc thang - bảng lương của các thầy cô phải được xếp cao nhất. "Với tư cách là người phụ trách ngành, tôi đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để làm sao theo đúng nghị quyết của Đảng" - ông Nhạ nói.
Còn việc giáo viên Trương Thị Lan công tác 37 năm nhưng chỉ có 22 năm biên chế, Bộ trưởng Nhạ nói đây là quy định chung của BHXH, Bộ Nội vụ. "Việc tuyển dụng ở các địa phương còn nhiều bất cập và Bộ GD-ĐT đang rà soát. Thực ra, nếu xét theo quy định chế độ thì đúng nhưng cũng phải tính đến những trường hợp đặc thù. Bộ GD-ĐT đang tập hợp để có kiến nghị" - ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Theo ông Phùng Xuân Nhạ, hiện nay, thang - bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới sắp tới đây nên Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để có đánh giá một cách công bằng, có chế độ đãi ngộ phù hợp. "Trường hợp của cô Lan vừa rồi, tôi rất trăn trở. Nhìn cô Lan khuỵu xuống, ngất, tôi đã có ý kiến với BHXH và được trả lời là theo quy định. Đứng về mặt nhà nước, quy định là như thế nhưng thực tế về mặt con người thì các thầy cô hy sinh gần như cả đời, bây giờ về hưu mới được 1,3 triệu đồng thì sao sống nổi!" - bộ trưởng bày tỏ.
Sau 37 năm đi dạy với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, đời sống của cô giáo Trương Thị Lan hiện tại rất khó khăn - Ảnh: Bảo Anh
Sửa luật cho phù hợp
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để điều chỉnh thang - bảng lương theo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được xây dựng. Trong sửa Luật Giáo dục lần này, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ. Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5-2018 và thông qua tại kỳ họp của Quốc hội vào tháng 10-2018.
Trả lời về việc Luật Giáo dục (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua thì những trường hợp như giáo viên Trương Thị Lan có được truy xét và nâng mức lương hưu hay không, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: "Vấn đề truy xét còn theo quy định pháp luật nhưng những gì bất cập hiện nay, nhất là liên quan đến đời sống giáo viên thì phải sửa. Việc này còn liên quan nhiều đến các luật chuyên ngành khác như bảo hiểm, tài chính... Tinh thần là Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng hết sức để có kiến nghị cụ thể. Việc có tăng lương hưu hay không phụ thuộc vào các bộ, ngành cho ý kiến nhưng tinh thần có lợi nhất cho các thầy cô".
Ngay trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Bộ GD-ĐT cũng đề ra chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 19-NQ/TW về "tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", trong đó có việc rà soát, sắp xếp kèm theo chế độ phù hợp cho giáo viên toàn ngành. Theo Bộ trưởng Nhạ, 2 nghị quyết vừa được ban hành rất quan trọng với ngành GD-ĐT, trên cơ sở đó đổi mới giáo dục, đổi mới cơ chế, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên.
Hà Tĩnh: 270 giáo viên nhận lương hưu 1,3 triệu đồng
Cô giáo mầm non Trương Thị Lan vào ngành ngày 5-9-1980, nghỉ hưu vào tháng 9-2017, có 37 năm cống hiến; năm đóng bảo hiểm kể cả đóng lùi là 22 năm 8 tháng; hệ số lương hiện hưởng đến ngày nghỉ hưu là 3,46. Đến ngày nghỉ hưu được hưởng số tiền 1,268 triệu đồng/tháng và được nhà nước bù thêm 32.000 đồng. Tổng cộng 1,3 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, cô Lan bộc bạch: "Hoàn cảnh gia đình tôi hiện rất khó khăn, chồng con đau ốm bệnh tật, với số tiền trên không biết lấy gì để sinh sống". Cũng theo cô Lan, qua câu chuyện của mình, cô mong muốn các ngành chức năng liên quan quan tâm nhiều hơn đến đời sống của các cô giáo mầm non trên cả nước để họ có thể yên tâm công tác, không lo lắng về cuộc sống sau khi về hưu.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn, cho biết trước đây ở trường cũng có một số giáo viên lúc về hưu nhận mức lương rất thấp. "Năm 2015, trường có một cô về hưu chỉ nhận được mức lương 1 triệu đồng/tháng; năm 2016 có một cô về hưu nhận mức lương 1.560.000 đồng tháng. Đi dạy cả đời, nghỉ hưu với hơn 1 triệu đồng không thể đủ trang trải cuộc sống" - cô Hà trải lòng. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ thêm nhiều giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh có mức lương hưu thấp như vậy, bản thân ông rất trăn trở nhưng vì quy định chung thuộc về chế độ chính sách nên đành chịu.
Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh, tính đến hết năm 2016, cơ quan này đã thực hiện chi trả bảo hiểm cho hơn 270 giáo viên mầm non trong toàn tỉnh với mức lương tối thiểu 1,3 triệu đồng/tháng như trường hợp cô Trương Thị Lan. Mức lương hưu thấp là do quá trình đóng BHXH ngắn và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp. Về việc này, một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã giao Sở Nội vụ rà soát, trên cơ sở đó có chính sách, kiến nghị điều chỉnh phù hợp.
Bình luận (0)