xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Cấm cửa" doanh nghiệp dùng thuốc nổ tận thu khoáng sản

T.Nốt

(NLĐO)- Đã có 1 tảng đá lớn gần khu vực nhà tập thể giáo viên bị nứt làm đôi do hậu quả của việc doanh nghiệp dùng thuốc nổ khai thác khoáng sản.

Ngày 29-11, nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Kiên Giang đã có kiến nghị UBND tỉnh này về việc yêu cầu Công ty TNHH Tuyết Vân (gọi tắt Công ty Tuyết Vân, được Công ty TNHH Kiên Hà ủy quyền khai thác) ngừng ngay việc sử dụng vật liệu nổ trong quá trình thực hiện đề án cải tạo môi trường tại mỏ khai thác khoáng sản đất sỏi đỏ núi Bãi Ớt thuộc xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương do vi phạm rất nhiều cam kết.

Cấm cửa doanh nghiệp dùng thuốc nổ tận thu khoáng sản - Ảnh 1.

Đây là khu vực khai thác mỏ tận thu tiếp giáp với Trường THCS Dương Hòa nên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác dạy học và gây ô nhiễm môi trường

Được biết, vào ngày 29-9-2016, UBND tỉnh Kiên Giang có quyết định phê duyệt cho Công ty TNHH Kiên Hà (gọi tắt Công ty Kiên Hà) thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đất sỏi núi Bãi Ớt trong thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định ban hành. Theo đề án, Công ty Kiên Hà sẽ được tận thu hơn 185.000 m3 khoáng sản còn lại trên diện tích 13,3 ha. Công ty cũng chỉ được phép sử dụng lượng thuốc nổ nhỏ để phá vỡ các khối đá còn sót lại. Bên cạnh những quyền lợi đó, Công ty Kiên Hà có trách nhiệm san gạt cải tạo hơn 1.500 m bờ mỏ; trồng cây xanh dọc theo đê bao xung quanh mỗi moong khai thác với chiều dài 857 m; tháo dỡ công trình không còn sử dụng (nhà cho công nhân ở); làm hàng rào kẽm gai xung quanh bờ mỏ; đặt biển báo sau khi cải tạo mỏ và lắp đặt hệ thống cống thoát nước bằng bê tông. Tuy nhiên, cho đến nay phía công ty chỉ thực hiện việc cải tạo khoảng 400 m phía Tây Bắc khu vực đóng mỏ để tận thu được gần 38.000 m3 đất san lấp và mới chỉ làm được 200 m hàng rào kẽm gai tại khu vực tiếp giáp với trường học cấp 2 của xã Dương Hòa. Như vậy, dù đã hết thời hạn cấp phép hoạt động nhưng Công ty Kiên Hà vẫn chưa thực hiện 5 hạng mục còn lại trong đề án.

Đáng nói hơn, qua kết quả khảo sát thực địa gần đây của Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang cho thấy tại khu vực giáp ranh với Trường THCS Dương Hòa (phía Nam khu vực đóng mỏ) vẫn còn bờ mỏ vách dốc đứng với độ cao khoảng 10 m và phần đất đá bị phong hóa, giảm liên kết nên hiện có 1 tảng đá to gần nhà công vụ giáo viên (phía sau trường học) bị nứt làm đôi nên có nguy cơ trượt lở bất cứ lúc nào. Trong khi đó, tại khu vực phía Đông mỏ đã khai thác này cũng xuất hiện tương tự và có nguy cơ sạt lở làm mất đất của các hộ dân xung quanh. Ngoài ra, trước khi ủy quyền cho Công ty TNHH Tuyết Vân khai thác thì Công ty Kiên Hà vẫn còn nợ ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỉ đồng.

Còn theo báo cáo của UBND huyện Kiên Lương, Công ty Tuyết Vân còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình dùng thuốc nổ cũng như vận chuyển khoáng sản ra bên ngoài. Việc công ty chủ động dùng nước phun tưới giảm thiểu bụi cũng gây hư hỏng đoạn Quốc lộ 80 đi qua địa bàn và làm mất an toàn giao thông. Việc nổ mìn phá đá của công ty không đúng tinh thần được phép sử dụng cũng đã gây nên tình trạng sạt lở đất, ảnh hưởng cây trồng, vật kiến trúc của các hộ dân sống xung quanh với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Trước những bức xúc này của người dân cũng như chính quyền địa phương, Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang yêu cầu Công ty Tuyết Vân ngừng ngay việc sử dụng vật liệu nổ trong quá trình cải tạo mỏ. Đồng thời, kiến nghị UNBD tỉnh xem xét yêu cầu Công ty Tuyết Vân có trách nhiệm hoàn thành các hạng mục còn lại trong vòng 6 tháng. Nếu quá thời hạn trên mà công ty vẫn chưa thực hiện thì sở này sẽ kiểm tra, xử lý theo quy định hiện hành.

Như Báo Người Lao Động đã từng phản ánh, vào giữa tháng 5-2018, nhiều hộ dân ở gần khu vực mỏ khai thác khoáng sản này rất bức xúc vì phải "sống chung với khói bụi" trong khi nhà cửa bị nứt tường với nhiều mức độ khác nhau nhưng không biết than phiền với ai.

Một giáo viên công tác tại Trường THCS Dương Hòa, cho biết tình trạng khai thác mỏ đá này đã gây bất an không chỉ cho người dân địa phương mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với công tác dạy học tại trường. Tiếng máy khoan, máy xay đá và cả tiếng xe chở vật liệu ra vào mỏ cũng làm ảnh hưởng đến tiết dạy vì học sinh không nghe rõ lời của thầy cô giáo giảng bài. Nhiều lúc, những giáo viên sống trong khu tập thể của trường đã phải bỏ chén cơm để chạy ra phía trước đường để tránh nạn đá bay. Do đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết tình trạng này để giúp cho nhà trường có môi trường thân thiện và giúp cho giáo viên an tâm công tác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo