xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấm đoán tùy tiện!

MINH CHIẾN - HUY THANH

Việc các cơ quan, đơn vị ra văn bản trái luật không chỉ do nghiệp vụ kém mà còn vì tư duy bảo vệ lợi ích cục bộ

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp Đồng Ngọc Ba cho biết cơ quan này đã chủ trì buổi làm việc với đại diện Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội vào ngày 11-1 để cùng làm rõ tính hợp pháp của quy định "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" trong nội quy tiếp công dân của TP Hà Nội.

Hà Nội "phòng xa"

Quy định trên được ban hành trong Quyết định 12/QĐ-UBND về nội quy tiếp dân của TP Hà Nội. Nhận định về quy định này, một số chuyên gia thẳng thắn cho rằng không chỉ gây phản cảm về mặt xã hội mà còn ngược với tinh thần của Luật Tiếp công dân và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cấm đoán tùy tiện! - Ảnh 1.

Cán bộ tiếp dân đàng hoàng thì sao phải sợ bị quay phim, chụp ảnh? (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HUY THANH

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho rằng cơ quan tiếp dân là cơ quan công quyền, được tổ chức, thành lập để tiếp người dân đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tố cáo. Do đó, cán bộ đang thi hành công vụ thì không có quyền cấm người dân ghi âm, chụp hình, quay phim. Trước những lo ngại về việc người dân ghi âm, ghi hình xong sẽ cắt xén tung lên mạng để bôi nhọ cán bộ tiếp dân, TS Sơn đánh giá đây là sự suy diễn không cần thiết, bởi nếu vu khống hay bôi nhọ thì có pháp luật xử lý.

Về hình thức văn bản, TS Sơn cho biết Quyết định 12/QĐ-UBND có khá nhiều lỗi. Cụ thể, Luật Tiếp công dân trao cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thẩm quyền ban hành quy chế, nội quy và đây được coi là văn bản hành chính cá biệt. Tuy nhiên, trong văn bản hành chính của Hà Nội lại đưa các quy phạm pháp luật vào, trong đó cấm đoán công dân, vừa trùng lặp với luật vừa trái thẩm quyền.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ sự ngạc nhiên khi cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ mà phải cấm người dân quay phim, chụp ảnh hay ghi âm. Theo luật sư Ứng, bối cảnh tại trụ sở tiếp dân là cán bộ ghi nhận phản ánh của người dân, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các công việc liên quan thì không có gì nghiêm trọng đến mức phải cấm quay phim, chụp ảnh. Theo vị luật sư này, nếu cấm ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân vì mục đích sợ cán bộ của mình làm sai thì cần xem xét kỹ quy định này.

Sai từ trên sai xuống

Trong khi đó, ông Phạm Chí Công, Trưởng Ban Tiếp dân Hà Nội, cho biết nội quy trong Quyết định số 12 TP ban hành dựa trên quy định tại điều 12 của Luật Tiếp công dân, cho phép chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. "Quy định này hoàn toàn không làm mất tính dân chủ, không xâm phạm quyền lợi hay ảnh hưởng đến người dân" - ông Công khẳng định.

Theo ông Công, trước khi Hà Nội ban hành nội quy trên thì nhiều tỉnh, TP đã đưa quy định này vào từ nhiều năm trước, kể cả Ban Tiếp dân trung ương.

Theo TS Lê Hồng Sơn, tại cuộc làm việc của Thanh tra Chính phủ, các đại biểu đều đưa ra những lý lẽ để tranh luận nhưng không thống nhất được. Có một số đại biểu cho rằng sở dĩ nhiều địa phương đưa quy định quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp dân phải xin phép vào nội quy tiếp công dân là vì tổng Thanh tra Chính phủ đã áp dụng cho Ban Tiếp dân trung ương. Và quy định này trở thành một kiểu mẫu mà các địa phương sẽ nhìn ở trên mà áp dụng theo.

Vì vậy, theo ông Sơn, bây giờ muốn sửa thì tổng Thanh tra Chính phủ phải sửa đầu tiên ở Ban Tiếp dân trung ương để các địa phương theo đó điều chỉnh. "Tôi đã nêu rõ quan điểm đây là vấn đề "nóng", phải báo cáo ngay lên Bộ Tư pháp xem xét và quyết định. Việc này phải có Bộ Tư pháp vào cuộc mới thống nhất được".

Không quản được thì cấm

Quy định công dân muốn ghi hình, ghi âm phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân cũng tương tự vụ cấm công dân quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ gây ồn ào trước đây. Việc phải xin phép trước khi chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ là bất hợp lý vì vi phạm quyền của công dân và hạn chế trong việc phát hiện ra những tiêu cực trong lực lượng CSGT. Thời điểm quy định được ban hành, Bộ Tư pháp đã vào cuộc "tuýt còi" văn bản này, đồng thời khẳng định pháp luật không cấm công dân thực hiện quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông.

Câu chuyện cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản, quy định và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân không phải là chuyện mới. Mỗi năm, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát hiện hàng ngàn văn bản được ban hành trái pháp luật. Điển hình, trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong đó có 1.236 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày; còn lại 574 văn bản không phải là quy phạm pháp luật nhưng lại chứa quy phạm pháp luật.

Tư duy "không quản được thì cấm" ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc ban hành các quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Hàng loạt quy định cấm rất vô lý khi ban hành hoặc trong giai đoạn lấy ý kiến đều gặp sự phản đối mạnh mẽ như: Cấm bán thịt lợn quá 8 giờ, cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương, cấm tổ chức cưới quá 50 mâm…

Với ngành giáo dục xảy ra nhiều tiêu cực trong thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng ban hành quy chế thi yêu cầu người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Phải chăng ngành giáo dục lo ngại những bằng chứng tiêu cực bị phát tán nên đã "nhanh tay" ra quy chế để cấm?

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản "cấm đường" qua cửa khẩu, yêu cầu tạm dừng xuất nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang). Lý do được tỉnh đưa ra là hạ tầng giao thông qua cửa khẩu xuống cấp trầm trọng. Thông báo đột ngột này khiến các doanh nghiệp điêu đứng vì các hợp đồng đã ký kết trước đó không thể thực hiện, gỗ để lâu ngày bị hư hỏng. Trước phản ứng của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh cho biết việc "cấm đường" cửa khẩu là chủ trương của cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy! 

Ý KIẾN

Luật sư TRƯƠNG QUỐC HÒE, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Phục vụ lợi ích cục bộ

Các cơ quan soạn thảo văn bản luật đều chú tâm đến lợi ích của mình mà không đặt trên tổng thể của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Do đó, các văn bản khi được ban hành đã bị xung đột lợi ích, chồng chéo, thậm chí là trái pháp luật. Có thể nói, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa hoàn toàn phục vụ lợi ích của người dân mà có tâm lý hướng đến cơ quan quản lý, phục vụ lợi ích cục bộ.

Ông PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Cơ quan tư pháp ở đâu?

Nếu nói bộ, ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những cái có lợi cho công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của bộ, ngành đó nhưng không nhìn trên tổng thể chung thì chỉ đúng một phần. Bởi dự án luật còn được thẩm tra, đánh giá lấy ý kiến của nhiều bên, trong đó có cả trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội khi ấn nút thông qua. Ví dụ như quy định cấm người "ngực lép" lái xe mặc dù chỉ mới là dự thảo nhưng rất phản cảm, dư luận đã phản ứng rất mạnh. Còn tại các địa phương, việc ban hành các văn bản gây phản ứng trong dư luận xảy ra khá nhiều. Ở đây có tâm lý quản không được thì cấm, trong khi có nhiều điều cấm rất vô lý, khiến dư luận bức xúc. Nhiều cơ quan quản lý ban hành các quy định để "bảo vệ" chính mình thay vì đứng trên góc độ người dân.

Do đó, vai trò của các cơ quan kiểm tra, rà soát như Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp là vô cùng quan trọng, khi phát hiện các văn bản trái pháp luật thì phải "tuýt còi" ngay và xử lý trách nhiệm đơn vị ban hành.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo