Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 16-10 đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - chủ đề "Đồng hành và phát triển".
Hàng loạt "đặt hàng" của nhà đầu tư
Ông David Whitehead - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Úc (AusCham), thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn DN Việt Nam - đề nghị Chính phủ điều chỉnh tổng thể quy trình, thủ tục theo hướng lược bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm tạo thuận lợi trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là vào lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, chip.
Theo ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), sắp tới sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt - Mỹ để thảo luận về những ưu tiên của Việt Nam trong việc tháo gỡ nút thắt nhằm huy động nguồn lực cho sản xuất - kinh doanh. "Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư, qua đó thu hút dòng vốn FDI mới. Việt Nam cần xem xét thận trọng các dự thảo luật, các quy định để tránh tạo thêm gánh nặng hành chính" - ông John Rockhold khuyến nghị.
Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) góp ý Việt Nam tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để phát triển thịnh vượng và ứng phó với một số tình huống khó lường. Trong đó, ngành công nghệ thông tin sẽ trở thành "đầu tàu" mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEPC, đề nghị Chính phủ sớm quan tâm đến nguồn năng lượng thay thế, cấp bách xem xét lại khung khổ pháp lý về kinh tế tuần hoàn và có chính sách khuyến khích phát triển KCN sinh thái. "Hiện nay, chúng tôi không thể bán lại nước thải đã qua xử lý do thiếu hành lang pháp lý nên buộc phải thải ra biển hay sông gần nhất" - ông Bruno Jaspert phản ánh.
Ghi nhận ý kiến của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng để phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, việc tái sử dụng - kể cả nước thải - là hết sức cần thiết để giảm chi phí cho DN và tránh lãng phí.
Tại hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày 16-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong nhà đầu tư tiếp tục hợp tác chặt chẽ và “luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình”Ảnh: TTXVN
Quê hương thứ hai của nhà đầu tư
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn số liệu đến hết tháng 9-2023, đã có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38.300 dự án còn hiệu lực, tổng vốn hơn 455 tỉ USD.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 3 cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào. Thứ hai, luôn đồng hành với DN vượt qua khó khăn, thách thức và tranh thủ thời cơ, thuận lợi nhằm hỗ trợ nhà đầu tư hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng sẽ xử lý các vi phạm để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất - kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Đối với cộng đồng DN FDI, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường và phù hợp với các quy hoạch quốc gia, ngành, vùng của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Thủ tướng khẳng định mong muốn và tin tưởng các DN, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ và "luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình". Thủ tướng đề nghị các bên phát huy tinh thần "đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cân đong đo đếm được"; hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân, tất cả cùng chiến thắng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao
Ông Gaur Dattatreya, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies, cho biết công ty có kế hoạch mở rộng quy mô mảng công nghệ phần mềm ở Việt Nam với khoảng 6.000 kỹ sư vào năm 2025. Lãnh đạo DN này khuyến nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao trọng điểm.
Đại diện Intel Việt Nam, ông Phùng Việt Thắng, thông tin cơ sở của Intel tại Việt Nam được đánh giá là thành công nhất toàn cầu. Trong thời gian tới, DN rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc xây dựng chiến lược cung ứng nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Liên quan nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã tổng kết 10 năm chính sách xã hội và quyết định những vấn đề lớn, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực, lao động.
Bình luận (0)