Theo Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh (KD) dịch vụ karaoke, vũ trường có hiệu lực từ ngày 1-9, các quán karaoke chỉ được hoạt động đến 12 giờ đêm và không được mở cửa trước 8 giờ sáng.
Dễ biến tướng, lách luật
Theo một đại diện của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, dịch vụ karaoke, vũ trường là ngành nghề KD có điều kiện được quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014, một trong các dịch vụ KD phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng nhiều mặt đến xã hội, rất dễ bị lợi dụng, biến tướng. Theo vị này, Nghị định 54 đưa ra những điều kiện KD chỉ được mở đến 12 giờ đêm là hợp lý. Hoạt động karaoke, vũ trường một thời gian dài chưa có khái niệm pháp lý rõ ràng đã tạo nên hiện tượng biến tướng để lách luật.
Theo quy định, các quán kinh doanh karaoke không được hoạt động quá 12 giờ đêm Ảnh: SỸ HƯNG
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội, cho rằng Nghị định 54 đã cắt giảm thủ tục xin cấp giấy phép KD karaoke, thay thế bằng thủ tục thông báo KD dịch vụ, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp (DN) đầu tư, KD. Tuy nhiên, theo ông Động, quy định thông thoáng nhưng trách nhiệm của DN, hộ KD khi KD dịch vụ karaoke phải tăng lên. Vì thế cần siết chặt các điều kiện KD để hoạt động này không bị lợi dụng, biến tướng.
Khó đuổi khách lúc 0 giờ
Tuy nhiên, quy định cấm hát karaoke sau 0 giờ khiến nhiều người băn khoăn về tính khả thi. Trên thực tế, không ít quán bar, karaoke, vũ trường ở TP HCM, Hà Nội dù đã 1-2 giờ sáng vẫn đông kín khách.
Một chủ quán karaoke trên phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy cho hay rất nhiều khách đến quán lúc 22 giờ sau cuộc nhậu nên rất khó "đuổi" khách về khi họ đang say sưa hát. Ông chủ này cho hay đã có những xô xát xảy ra khi nhân viên của quán vào "nhắc khéo" khách giữa chừng. Việc yêu cầu khách ra về khi họ vẫn còn nhu cầu vui chơi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động KD của DN.
Theo quy định trước đây, vũ trường, phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng. Tuy nhiên, khi Nghị định 54 có hiệu lực, tất cả quán karaoke đều phải dừng hoạt động lúc 0 giờ. Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Golden T Travel, cho rằng ở các địa điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, không ít du khách muốn trải nghiệm, vui chơi, đôi khi đến tận sáng. Khách đến Việt Nam cần những dịch vụ đem lại sự thoải mái, bản thân người kinh doanh dịch vụ cũng mong có dịch vụ tốt để giữ được khách. "Cấm kinh doanh karaoke lúc 0 giờ cũng là một hạn chế khi phát triển du lịch. Không lẽ khách đến Việt Nam 5-6 giờ chiều phải đi ăn rồi 8 giờ tối đi hát để kịp giờ đóng cửa?" - ông Thành phân tích.
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành du lịch phải đạt mức tăng trưởng khoảng 13%-14% và điều này không phải là dễ dàng. Tổng giám đốc một công ty du lịch lớn cho biết những sản phẩm du lịch hiện tại chưa đủ hấp dẫn và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Ví dụ, tại TP HCM, phần lớn những sản phẩm du lịch chủ yếu phục vụ du khách ở khung giờ từ 5 giờ đến 18 giờ. Từ 18 giờ đến khuya, du khách không có nhiều hứng thú trong việc tham quan thành phố vì có quá ít sự lựa chọn. Chính điều này cũng làm giảm sức hút của du khách đến với Việt Nam. Những quy định về "giờ giới nghiêm" đang làm giảm đi sức hút đối với khách quốc tế, giảm khả năng thu lượng ngoại tệ lớn từ các du khách cũng như giảm doanh thu cho nền kinh tế. "Điều quan trọng không phải là cấm, bởi thực ra cấm cũng không quản được, mà cơ quan quản lý cần có cơ chế kiểm soát chặt hoạt động này" - vị này nói.
Nới lỏng cho doanh nghiệp
Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về KD dịch vụ karaoke, vũ trường có hiệu lực từ ngày 1-9 với nhiều điểm mới nới lỏng cho DN, hộ KD so với trước. Theo đó, Nghị định 54 bãi bỏ một số quy định từng được ban hành trong các văn bản pháp quy liên quan trước đó như: giấy phép KD (thường gọi là giấy phép con), chỉ còn giấy chứng nhận đủ điều kiện KD do các sở văn hóa - thể thao và du lịch cấp sau khi DN, hộ KD gia đình đăng ký KD tại các sở kế hoạch và đầu tư; chỉ được phép sử dụng một tiếp viên/phòng; cơ sở KD phải cách xa trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo 200 m (trừ vũ trường). Nghị định 54 cũng có những quy định mới trong việc xử lý sai phạm như: Cơ quan cấp giấy phép đủ điều kiện KD yêu cầu tạm dừng hoạt động KD và thu hồi giấy phép khi DN, hộ KD: giả mạo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; vi phạm điều kiện KD gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản; không kinh doanh trong 12 tháng liên tục; không tạm dừng KD theo yêu cầu của cơ quan cấp giấy phép; hết thời hạn tạm dừng kinh doanh mà không khắc phục hoặc khắc phục không đầy đủ các vi phạm...
Đại diện chuỗi cơ sở karaoke Kingdom (TP HCM) cho biết: "Với quy định mới, ai cũng có cơ hội KD dịch vụ karaoke, vũ trường; công đoạn xin phép cũng dễ dàng hơn vì DN, hộ KD được phép chủ động xin phép thay vì phụ thuộc tuyệt đối vào giấy phép KD như trước đây". Th.Trang
Bình luận (0)