Ngày 28-9, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung, chương trình Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 8). Đây là lần đầu tiên một Hội nghị Trung ương được cơ quan của Đảng tiến hành tổ chức họp báo trước và sau kỳ họp.
Cho ý kiến về nhân sự là cấp ủy viên Trung ương Đảng
Chủ trì họp báo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho biết Hội nghị Trung ương 8 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 2 đến 6-10.
Hội nghị sẽ thảo luận, thông qua nhiều nội dung: Báo cáo hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự toán ngân sách năm 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Đề án Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời xem xét công tác nhân sự và các nội dung quan trọng khác.
Tại cuộc họp báo, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng - ông Lê Quang Vĩnh - cho biết hội nghị lần này sẽ cho ý kiến, xem xét việc kỷ luật nguyên Ủy viên Trung ương Đảng theo đề nghị của Bộ Chính trị do liên quan đến vụ MobiFone mua AVG và một số trường hợp khác. Theo quy định, hội nghị sẽ cho ý kiến về nhân sự là cấp ủy viên Trung ương Đảng.
Báo chí đặt câu hỏi: "Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần, Hội nghị Trung ương 8 có bàn về nhân sự Chủ tịch nước?". Ông Lê Quang Vĩnh trình bày: Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước đã được Hiến pháp quy định thực hiện một cách đầy đủ, liên tục. Vì vậy, Bộ Chính trị đã phân công Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đảm nhiệm quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch nước. "Tuy nhiên, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng có xem xét việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 8 hay không còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan" - ông Lê Quang Vĩnh nói.
Ông Vũ Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) - trao đổi với báo chí tại buổi họp báoẢnh: NGỌC THẮNG
Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu
Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan dự thảo đề án Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Vũ Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) - cho biết nội dung này đã được chuẩn bị qua nhiều khâu, tổ chức tham vấn, hội thảo, xin ý kiến nhiều nhân sự, trong đó có các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đến nay cơ bản đã hoàn thành sau khi tham vấn, xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo trước khi trình trung ương.
Quy định này được cấu trúc gọn, gồm 4 điều. Theo tinh thần chỉ đạo, quy định này được thiết kế đặc biệt nhấn mạnh đến các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó có quy định chung cho cán bộ, đảng viên là: Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Quy định được xây dựng trên nguyên lý là có "xây", có "chống"; "xây" trước, "chống" sau. Quy định "chống" để thực hiện trách nhiệm nêu gương được xây dựng theo nguyên lý "từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân (không nên làm, không được làm)".
Tuy nhiên, theo ông Vũ Thanh Sơn, cùng với quy định mới này, Quy định 101/QĐ-TW của Ban Bí thư (Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp) và Quy định 105/QĐ-TW năm 2017 (Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử) vẫn phát huy tác dụng và được thực hiện.
Trước băn khoăn về chế tài để bảo đảm hiệu quả thực hiện quy định, ông Vũ Thanh Sơn cho rằng chế tài trong quy định mới này có tính "gắn với công tác kiểm điểm cá nhân và thi đua hằng năm". Nếu các ủy viên vi phạm các quy định thì đã có chế tài tương ứng trong các văn bản, như Quy định 102 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017.
Chiến lược biển thực hiện còn hạn chế
Tại họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trình bày tóm tắt về đề án trình Hội nghị Trung ương 8 về thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Theo ông Hà, qua 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những hạn chế.
"Ngành công nghiệp đóng tàu không đạt được mục tiêu đề ra, do mô hình phát triển, quản lý còn nóng vội, có khi duy ý chí và mô hình chưa phù hợp, để xảy ra thất thoát. Chúng ta kỳ vọng trở thành ngành mũi nhọn thì hiện nay không còn là mũi nhọn. Đã bỏ qua cơ hội để vượt lên, để cạnh tranh trên thế giới" - ông Trần Hồng Hà nói.
Bình luận (0)