Sáng 17-9, tại các bãi biển Mân Thái, Thọ Quang thuộc quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, hàng trăm ngư dân đang cấp tập thực hiện đưa tàu bè lên bờ để phòng tránh bão số 5. Lực lượng bộ đội biên phòng, công an địa phương đã cùng ngư dân giúp đưa tàu thuyền lên bờ.
Clip ngư dân Đà Nẵng đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão số 5
Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết trong chiều 16 và sáng 17-9, lực lượng chức năng tại phường đã phối hợp và hướng dẫn người dân neo đậu các phương tiện và tiến hành chằng chống nhà cửa... Ông Công cũng cho biết, phường cũng đã lên các kế hoạch sơ tán người dân khi cần thiết.
Bộ đội giúp ngư dân đưa phương tiện đánh cá lên bờ tránh bão tại bãi biển Thọ Quang
Theo Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tính đến sáng 17-9, đã có 615 phương tiện gồm tàu cá, ghe chèo, xuồng máy được neo đậu vào âu thuyền. Trong đó có 301 phương tiện của Đà Nẵng và 314 tàu cá của các tỉnh lân cận.
Đại úy Dương Văn Thắng – Phó Trưởng Công an phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết đúng 6 giờ sáng hôm nay, 100% lực lượng Công an phường Thọ Quang đã được huy động, tập hợp tại đường biển Đà Nẵng để hỗ trợ người dân đưa thuyền lên bờ.
"Vừa thực hiện công tác phòng chống dịch xong, chúng tôi lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão số 5. Cán bộ chiến sĩ Công an phường Thọ Quang nêu cao quyết tâm, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ" – Đại úy Thắng cho biết.
Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền thúng lên bờ tại bãi biển Mân Thái
Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu bè lên bờ tránh bão số 5
Xe cẩu đưa tàu bè lên bờ sáng 17-9
Thuyền thúng được đưa lên tập kết trước bão số 5
Đại tá Trần Công Thành - Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Đà Nẵng cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 5, Bộ tư lệnh BĐBP đã có những kế hoạch gửi các đơn vị liên ứng phó trước khi bão đổ bộ.
"Tổ chức theo kế hạch, quán triệt chặt chẽ chỉ đạo của Bộ tư lệnh và ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, sẵn sàng 100% quân số, đảm bảo tham gia phòng chống báo số 5, tăng cường cho địa bàn trọng điểm như Âu thuyền và khu vực ven biển Đà Nẵng", ông Thành nói.
Lực lượng chức năng giúp người dân đưa tàu cá lên bờ
Người dân đưa tàu lên bờ tránh bão ở vịnh Mân Quang
Người dân hối hả đưa phương tiện lên bờ
Ngư dân dọn dẹp ngư lưới cụ
Nhân viên điện lực phối hợp công ty cây xanh thực hiện cắt tỉa cây trên đường Yên Thế, quận Cẩm Lệ
Cắt tỉa cây xanh
Cũng trong sáng 17-9, ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, việc ứng phó với bão số 5 nói riêng và trước tình hình mưa bão nói chung, Âu thuyền Thọ Quang đã có những kế hoạch chuẩn bị khi bắt đầu vào mùa mưa bão.
"Riêng âu thuyền thì đã chuẩn bị trước, có sự sắp xếp bố trí hợp lý, những tàu xăng dầu đưa ra khỏi âu thuyền tránh cháy nổ, đặc biệt là vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo vệ sinh. Tất cả các biện pháp ứng phó bão đã cơ bản được hoàn tất", ông Ban nói.
Tàu bè neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang
Cạnh đó, Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng cũng đang gấp rút tổ chức cắt tỉa cây trên nhiều tuyến đường chính để hạn chế thiệt hại do bão số 5 có thể gây ra. Các công trình đang thi công xây dựng cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao.
Cũng trong sáng 17-9, UBND TP Đà Nẵng vừa có công văn giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự TP, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP và các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lên các phương án phòng, chống mưa bão, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân.
UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình mưa bão để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời không để bị động và thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND thành phố để theo dõi, chỉ đạo.
Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền thúng lên bờ
*Quảng Trị yêu cầu hoãn các cuộc họp không cần thiết để chống bão số 5
UBND tỉnh Quảng Trị ban hành công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương để tập trung ứng phó với bão số 5 (Noul) và mưa lũ.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn các tàu thuyền về các nơi trú ẩn an toàn; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 8 giờ ngày 17-9. Việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 18 giờ ngày 17-9.
Lực lượng chức năng cắt tỉa cây xanh trên đường phố Đông Hà (Quảng Trị) trước bão số 5
Tỉnh Quảng Trị yêu cầu tạm hoãn các cuộc họp không cần thiết từ chiều ngày 17-9 để tập trung cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống bão số 5. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 18-9 đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng chống bão tại trường học .
Tàu thuyền được neo đậu tại Cảng Cửa Việt
Các địa phương trong toàn tỉnh, nhất là các vùng dọc bờ biển chủ động triển khai công tác sơ tán dân, tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực sơ tán; không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, lán trại thi công. Công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 20 giờ ngày 17-9…
Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.300 chiếc tàu thuyền, với khoảng 7.100 thuyền viên. Hiện nay, các tàu thuyền đã nhận được thông tin của bão số 5 và đang trên đường tìm nơi tránh trú bão. Hiện trên địa bàn tỉnh này vẫn còn gần 1.000 ha lúa vụ Hè Thu chưa thu hoạch xong.
Huế vẫn còn 38 phương tiện/330 lao động ngoài biển:
Đến 11 giờ ngày 17-9, tại vùng biển tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa nhỏ, gió. Ghi nhận tại Cảng cá Thừa Thiên - Huế ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, có hàng trăm lượt tàu cá cập bờ bán hải sản sau những ngày ra khơi. Sau đó, các tàu này đã đến các cảng neo đậu an toàn trước khi bão vào. Trong khi đó, người dân vùng biển thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang cũng khẩn trương chằng chống nhà cửa, đưa ghe lên bờ an toàn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 659 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, (trong đó: 390 tàu xa bờ, còn lại là tàu cỡ trung, cỡ nhỏ).
Người dân ở Huế khẩn trương chống bão
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn, liên lạc đài trực canh để thông báo cho đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của bão gió mạnh để chủ động phòng tránh. Đến gần trưa ngày 17-9 còn 38phương tiện/330 lao động; dự kiến đến 14 giờ cùng ngày sẽ kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào neo đậu an toàn.
Chèn chống nhà cửa
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng: "Đây là cơn bão lớn, đầu tiên trong năm, các địa phương phải tập trung, không được chủ quan, lơ là. Ở tuyến biển đến trưa nay, ngày 17-9, phải chuẩn bị xong việc neo đậu, kêu gọi tàu thuyền và chằng chống nhà cửa giúp dân. Ở khu vực hồ đập phải dự phòng máy nổ và các phương án phụ, không để xảy ra tình huống bị động khi mất điện" - ông Phương nhấn mạnh.
Bình luận (0)