Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn kết hợp với các hồ chứa xả lũ khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính tới ngày 20-10, Hà Tĩnh có 90 xã bị ngập với 31.000 hộ/105.373 người. Trong đó, những địa phương bị ngập nặng như huyện Cẩm Xuyên: 19 xã (13.393 hộ/43.028 người); huyện Thạch Hà 17 xã (10.588 hộ/42.232 người); TP Hà Tĩnh 14 xã, phường (2.300 hộ/4.950 người) và huyện Lộc Hà: 11 xã (3.430 hộ/10.745 người).
Video clip ngập lụt ở Hà Tĩnh
Ngày 20-10, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại huyện Cẩm Xuyên, nơi vẫn có hàng ngàn nhà dân ngập sâu trong biển nước. Ghi nhận thực tế cho thấy đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do phải đối diện với đói, rét do bị nước lũ cô lập.
Từ ngoài đường quốc lộ 1A, nhiều canô, xuồng cứu hộ liên tục thay phiên nhau chở hàng cứu trợ vượt nước lũ vào giúp bà con. Sau khi chở hàng cứu trợ vào, canô, xuồng cứu hộ lại chở người bị mắc kẹt trong các căn nhà bị nước lũ cô lập ra ngoài.
Anh Nguyễn Văn Hùng, trú xã Cẩm Vinh, chia sẻ: "Nước có rút nhưng còn rất nhiều nhà bị ngập sâu cả mét, nhiều người đang phải sống chung với đói rét. Nếu không có sự cứu trợ kịp thời thì người dân chúng tôi sẽ vô cùng khốn khổ".
Tại các huyện như Thành Hà, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà… theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 20-10, hàng ngàn nhà vẫn bị ngập sâu trong nước, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, đợt mưa lũ lịch sử này không chỉ gây ngập lụt nặng, thiệt hại lớn cho các địa phương mà còn khiến 3 người chết và 1 người mất tích.
Trong ngày 20-10, khi thị sát, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại hồ Kẻ Gỗ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm an toàn là nhiệm vụ số một, trong vận hành, vừa phải giữ được nước ngọt nhưng phải bảo đảm mức nước an toàn.
Đánh giá cao chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng lưu ý hết sức linh hoạt, không chủ quan trong vận hành hồ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương và cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi để có phương án ứng phó; tập trung theo dõi toàn bộ các tuyến đập, chỗ nào có sự cố xử lý kịp thời.
Sau đây là hình ảnh phóng viên Báo Người Lao Động ghi lại tại các vùng ngập lũ của Hà Tĩnh vào ngày 20-10:
Nhà dân xã Cẩm Vịnh ngập sâu trong nước từ 1 - 1,5 m.
Việc tiếp tế cho các nhà dân bị ngập ở xã Cẩm Vịnh gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng dùng ca nô tiếp cận những nhà dân bị cô lập ở xã Cẩm Vinh.
Tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh đoạn qua huyện Cẩm Xuyên bị ngập sâu.
Trung tâm phục hồi chức năng ở huyện Cẩm Xuyên vẫn chìm trong biển nước.
Lực lượng chức năng đưa một em nhỏ trong vùng bị nước lũ cô lập ở huyện Cẩm Xuyên ra ngoài.
Một người đàn ông xã Cẩm Vinh bị thương ở chân được lực lượng chức năng giải cứu cõng ra ngoài.
Hàng cứu trợ được đưa xuống các canô chở vào cứu trợ bà con vùng lũ huyện Cẩm Xuyên.
Ngập sâu người dân Thạch Hà phải đi lại bằng thuyền trong ngày 20-10.
Người dân huyện Lộc Hà kết bè đi lại do bị ngập sâu.
Bình luận (0)