Theo phản ánh của người dân, thời gian qua tại khu vực thung Đống Chơ (xóm Trên, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đang xảy ra tình trạng phá rừng ngay trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông.
Tại khu vực này, nhiều cây rừng tự nhiên như chò nhai, trai, mài lái… có thân cây rất lớn, tuổi đời hàng chục năm có đường kính từ 40-90 cm bị chặt hạ. Nhiều thân cây đã được vận chuyển ra khỏi rừng còn trơ gốc và những miếng gỗ bìa, mùn cưa còn chất đống trong rừng.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông bị tàn phá tang hoang
Mặc dù sự việc phá rừng diễn ra từ Tết Nguyên đán 2019, nhưng đến nay lực lượng kiểm lâm tỉnh Hòa Bình và Bản quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông vẫn chưa làm rõ được những đối tượng chặt phá, xử lý trách nhiệm của những người bảo vệ rừng.
Trao đổi qua điện thoại, ông Bùi Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông, xác nhận tình trạng rừng bị phá là có nhưng cho rằng chỉ có mức độ nhỏ. "Nhận được thông tin, chúng tôi đã cho kiểm tra, đồng thời báo cáo lên cấp trên. Đây là khu vực giáp ranh nên chúng tôi đã thông báo với Khu BTTN Pù Luông (Thanh Hóa) để phối hợp điều tra, xử lý. Số liệu cụ thể, loại gỗ gì phải chờ kiểm đếm thực tế" - ông Hùng nói.
Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông được thành lập ngày 28-12-2004, nằm giáp với Khu BTTN Pù Luông (Thanh Hóa) về phía Tây và Vườn quốc gia Cúc Phương tỉnh Ninh Bình về phía Nam. Tổng diện tích là 19.254 ha, thuộc địa phận huyện Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình, trong đó, đất lâm nghiệp là 16.800 ha, chia ra phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 12.700 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 4.100 ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất khác nằm trải dài trên 7 xã
Khu BTTN được thành lập nhằm bảo vệ các hệ sinh thái rừng và cảnh quan trên núi đá vôi, bảo vệ các loài động thực vật, nguồn gen, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Hiện, Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông còn rất nhiều cánh rừng nguyên sinh như: rừng thường xanh trên núi đá vôi có độ cao dưới 300 m; từ 300-700 m và trên 700 m; rừng tre nứa.
Về động vật, ở đây còn 26 loài nguy cấp được liệt kê trong sách đỏ thế giới; 56 loài được xếp vào danh sách các loài nguy cấp của Việt Nam và có 2 loại đặc hữu là gấu và sơn dương…
Dưới đây là hình ảnh phá rừng trong vùng lõi Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông:
Những cây gỗ lớn có đường kính từ 40-90 cm bị đốn hạ trong vũng lõi Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông
Nhiều cây gỗ mới được hạ đổ chưa bị âm tặc đưa ra khỏi rừng
Một gốc cây gỗ lớn được đốn hạ có đường kính lớn
Lực lượng kiểm lâm đi kiểm tra, ghi nhận những cây gỗ bị hạ thuộc thung Đống Chơ (xóm Trên, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn)
Nhiều ây gỗ đã được xẻ thành tấm đưa ra khỏi rừng, mùn cưa và bìa gỗ được vứt lại
Nhiều súc gỗ lớn của 1 cây gỗ quý bị đốn hạ, cắt xẻ vương vức chưa được đưa ra khỏi rừng
Trong số những cây gỗ tự nhiên bị chặt hạ, có cả những cây gỗ thuộc nhóm quý hiếm
Gỗ xẻ ném nhiều nơi trong rừng già
Trưởng ban quản lý Khu BTNT Ngọc Sơn - Ngổ Luông thừa nhận có xảy ra phá rừng nhưng cho rằng nhỏ lẻ
Để làm rõ việc phá rừng tại đây và xử lý trách nhiệm những người có liên quan, phóng viên đã nhiều lần liên lạch tới số điện thoại của ông Lê Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình nhưng ông này không bắt máy. Qua phòng hành chính đặt lịch thì được trả lãnh đạo bận không có người tiếp, làm việc.
Bình luận (0)