Rừng vẫn bị đốt phá, cây bị đầu độc trong dự án 25.000 tỉ đồng ở Lâm Đồng
Dự án khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh (gọi tắt là KĐT Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng) của Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) có tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, diện tích 3.959ha trên 4 xã Ninh Gia, Ninh Loan, Phú Hội và Tà Hine của huyện Đức Trọng. UBND tỉnh Lâm Đồng xác định đây là dự án trọng điểm.
Thế nhưng trải qua 13 năm, đến nay dự án chậm tiến độ, từng bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu hồi nhưng sau đó tiếp tục được triển khai. Đến nay dự án chỉ mới đầu tư được 2.000 tỉ đồng (chưa tới 8%) so với tổng vốn đầu tư thực hiện. Kết luận số 2094/KL-UBND ngày 13-4-2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra dự án KĐT Đại Ninh đã làm mất 257,5 ha rừng cùng 111 ha đất rừng bị lấn chiếm.
Đến năm 2021, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh mới đóng đủ số tiền bồi thường cho diện tích 257 ha rừng bị mất với số tiền khoảng 18,8 tỉ đồng; Diện tích 111ha đất rừng bị lấn chiếm đến nay vẫn chưa giải tỏa lấy lại được. Diện tích khu G của dự án dọc Quốc lộ 28B hiện nay vẫn do người dân canh tác rau màu hoặc cà phê.
Dọc đường vào sâu lâm phần của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý, không khó để tìm thấy những gốc cây bị cưa mất thân, đã mục nằm rải rác.
Nhiều cây có đường kính thân gần 40cm. Một cán bộ kiểm lâm cho biết, cây có đường kính như vậy thường có tuổi từ 20-30 năm.
Một gốc thông bị gãy đổ, vết gãy còn khá mới đứng trơ trọi bên một gốc thông khác đã bị cưa lâu ngày.
Cách đó vài mét, một cây thông khác có dấu hiệu bị chặt phá và đốt cháy vào tận nửa thân cây.
Cũng không khó để tìm ra những khúc gỗ, thân cây khác đang bị mục nát nằm rải rác trong rừng
Trong lâm phần của doanh nghiệp này, thường xuyên diễn ra tình trạng "luẩn quẩn": lấn chiếm đất rừng - lực lượng chức năng đi giải tỏa - tái lấn chiếm - rồi lại đi giải tỏa. Chỉ có những cây thông và cây rừng lớn bị chặt phá, đốn hạ thì chỉ còn trơ gốc chờ mục ruỗng.
Tiếp tục vào sâu lâm phần, xuất hiện một khoảng rừng lớn có màu vàng úa, dưới đất còn nhiều tro than, trái ngược hẳn với màu xanh của những rẫy cà phê bên cạnh của người dân.
Nhiều cây thông trong khoảng rừng cháy vàng úa.
"Máu" cây rừng ừa ra chảy khắp thân cây...
Sau đó lá sẽ dần chuyển sang màu héo úa và cây rất khó phục hồi, chết dần đi.
Phía dưới, phóng viên phát hiện khá nhiều gốc thông đã bị cưa, một số gốc khác bị đốt cháy trụi khó tìm ra dấu vết.
Thân cây thông bị cưa còn nằm tại gốc và sau đó bị cháy đen do bị đốt. Một người có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng cho biết thường những cây bị cưa chặt, đốt trụi là do người dân muốn lấn chiếm đất rừng chứ ít có khả năng lấy gỗ nên để lại thân cây trong rừng.
Khoảng rừng thông trở nên nham nhở sau những vụ đốt
Tại một cánh rừng thông gần cổng chào của xã Tà Hine thuộc lâm phần của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý, hàng chục cây thông khác đã bị kẻ gian "đầu độc" bằng cách khoan lỗ và sau đó đổ thuốc độc vào.
Hóa chất đổ vào cây màu trắng đục và sệt. Theo một cán bộ kiểm lâm, hóa chất này có thể có chất lưu dẫn, sau khi đổ vào sẽ ngấm dần vào lõi khiến cây nhanh chóng bị "ngộ độc".
Mỗi vết khoan vào thân cây thường sâu từ 5-7cm. Khi phóng viên dùng cành gỗ nhỏ chọc vào vết khoan thì hóa chất vẫn chưa khô, ứa ra. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quý I-2023, có 3 vụ khoan lỗ - đổ hóa chất vào những cây thông tại lâm phầm của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh làm 34 cây thông hàng chục năm tuổi chết dần.
Sau khi bị "đầu độc", nhựa thông (trong vòng tròn màu vàng) sẽ bị ứa chảy từ gốc đến ngọn.
Một cán bộ kiểm lâm cho biết: "Nếu phát hiện kịp thời có thể xử lý "cứu" được cây. Nhưng những cây này đã bị lâu nên rất khó phục hồi". Trong 3 vụ "đầu độc" cây, lực lượng quản lý rừng của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không xác định được thủ phạm, hoặc có phát hiện thủ phạm nhưng không truy bắt được.
Cách những cây thông bị khoan và đổ hóa chất vài mét là một dãy thông khác bị chặt và đốt phá.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, năm 2022, tại lâm phần dự án KĐT Đại Ninh cũng xảy ra 19 vụ phá rừng với diện tích hơn 12.000 m2, trữ lượng lâm sản thiệt hại hơn 62 m3 gỗ.
Bình luận (0)