Đến sáng 16-9, tỉnh Quảng Bình triển khai nhiều lực lượng tập trung khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 10 để lại. Ngoài hàng ngàn ngôi nhà dân bị tốc mái, cây cối đổ rạp, cột điện ngã đổ, hàng trăm hecta hoa màu bị hư hại thì nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị hư hỏng nặng do bão.
Theo số liệu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, bão số 10 đã làm 2 người chết, 10 người bị thương. Về tài sản có đến 49.155 nhà dân tốc mái, 1.500 nhà bị ngập, 6.000 hecta cây lăm năm và 15.000 hecta rừng trồng bị gãy đổ. Ngoài ra còn có 6 tàu ngư dân bị trôi, 2 tàu bị chìm.
Các địa bàn bị thiệt hại chủ yếu tập trung ở địa bàn các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và Tuyên Hóa. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 3.400 tỉ đồng.
Cảnh một nhà dân ở xã Quảng Đông bị bão đánh tốc mái
Ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết bão số 10 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua. Dù tỉnh và người dân đã chủ động phòng chống bão để hạn chế thiệt hại. Tuy vậy, bão cũng khiến 2 người tử vong và 14 người bị thương. Thiệt hại về tài sản rất lớn.
"Trước mắt tỉnh Quảng Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói cho người dân. Ngoài ra, tỉnh cần hỗ trợ 755 tỉ đồng để khắc phục hậu quả thiệt hại về giao thông, thủy lợi, đường sá, phòng dịch và thiệt hại về vật nuôi" – ông Hoài nói.
Hiện toàn bộ hệ thống đường bộ, hệ thống đường sắt và sân bay Quảng Bình đều đã thông suốt và hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh Quảng Bình bị mất điện trên diện rộng, nhiều cây ATM của hầu hết các ngân hàng bị tê liệt hoàn toàn. Sáng nay, ngành điện đã huy động lực lượng công nhân tập trung khắc phục sửa chữa để người dân sớm có điện sử dụng.
Chùm ảnh hoang tàn sau bão:
Căn nhà xây khá kiên cố của chị Bùi Thị Nga ở thôn Thọ Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) bị bão đánh tốc mái, công trình phụ kế bên bị sập hoàn toàn
Cậu bé ở Quảng Bình phải gom từng bát gạo bị ướt sũng do mưa bão để chuẩn bị bữa trưa cho gia đình
Ngành điện lực đã huy động nhiều công nhân tập trung dựng và sửa chữa những cột điện bị gảy đổ tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình)
Cảnh một nhà dân ở xã Quảng Đông bị bão đánh tốc mái
Bão số 10 đã đánh chìm và trôi nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Bình
Khung cảnh tan hoang sau bão ở Trường THCS xã Quảng Đông (Quảng Bình)
Thầy Bùi Nguyên Khôi – Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Đông cho biết đây là cơn bão thiệt gây thiệt hại nhất cho trường trong nhiều năm qua khi 2 dãy nhà bị đánh tốc mái, khu nhà nội trú của giáo viên cũng bị sập một số đoạn. Cây cối nằm ngổn ngang trong khuôn viên trường.
Trường THCS xã Văn Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) sáng nay vẫn ngập nước
Hà Tĩnh: Cuồng phong đi qua, xót xa ở lại
Có mặt tại thị xã (TX) Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) sáng nay, hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là sự tan hoang và đổ nát. Người dân cứ thế lặng lẽ gom nhặt lại những gì bão đã tàn phá.
Ngồi bó gối trước ngôi nhà đã bị bão đánh sập, chị Dương Ngọc Ánh (trú tại phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh) than thở: "Không còn chi nữa các chú ơi, bao nhiêu tiền của giờ "bay" theo bão hết rồi". Chị Ánh kể, vợ chồng chị có 2 con, một cháu hiện đang học lớp 7 còn một cháu đang học lớp 6. "Từ ngày hôm qua, vợ chồng tôi cùng các cháu đến nhà người thân ở để tránh bão, giờ về nhìn thấy nhà cửa hàng quán bị đổ sập không còn gì nữa mà buồn quá các chú ơi, giờ vợ chồng con cái chẳng biết sẽ ăn ở sinh hoạt như thế nào nữa, nhìn thấy cảnh nhà bị thế này thật tình giờ tôi cũng chẳng muốn dọn dẹp gì nữa!"- Chị Ánh nói.
Cùng chung hoàn cảnh, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Quyết (35 tuổi) dắt díu nhau cùng 2 đứa con còn nhỏ từ ngoài TP Hà Tĩnh vào phường Kỳ Long, TX Kỳ Anh để mở quán nhậu. "Bao nhiêu tiền của đổ vào đầu tư giờ thế là trắng tay rồi, tôi cố động viên vợ con rằng còn người còn của, nhưng nhìn thấy cảnh tượng thế này mà ngao ngán quá các chú ơi"- quệt vội mồ hôi trên má, Anh Quyết vừa nói vừa cùng vợ con và người làm thu dọn những gì còn sót lại của quán.
Đứng trong ngôi nhà đổ nát, bà Mai Thị Bảy (56 tuổi, trú tại phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh) nói như muốn khóc: "Không còn chi nữa các chú ơi, tất cả máy móc, hàng hoá, nhà cửa đã bị bão cho thành đống đổ nát rồi. Thấy thương con trai, tôi vay mượn ngân hàng 600 triệu đồng để về cho nó mở xưởng sản xuất nước đóng chai, giờ thì lấy chi mà trả nợ đây!".
Chị Nguyễn Thị Anh (35 tuổi, trú tại thôn Đông Trinh, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh) vừa dọn dẹp nhà cửa vừa pha mì tôm cho con ăn lấy vội tà áo lau giọt mồ hôi: "Chồng đi làm xa không về, nên sáng nay em phải nhờ hàng xóm sang lợp giúp phần mái nhà trong buồng ngủ, để tối về còn chỗ cho 3 mẹ còn có chỗ mà nằm, chứ bão đã làm cả mái nhà bị hất đi mất rồi, nói thật từ nhỏ đến giờ em giờ mới được chứng kiến được cơn bão mạnh như vậy".
Siêu bão đi qua, xót xa, cay đắng ở lại. Người dân nơi đây vẫn cố gắng gượng dậy, nhưng dường như trong đôi mắt họ thẳm sâu những nỗi buồn.
Ngôi nhà của vợ chồng chị Dương Ngọc Ánh bị bão đánh sập hoàn toàn
Vợ chồng anh Quyết cùng con cái và người làm thu dọn những gì còn sót lại của quán nhậu
Bà Mai Thị Bảy đứng thất thần nhìn đống đổ nát
Chị Nguyễn Thị Anh chia sẻ với phóng viên
Ngôi nhà đã bị tốc mái hoàn toàn
Thu dọn những gì còn lại của xưởng sửa chữa máy móc của gia đình ông Chu Văn Tình ở phường Kỳ Trinh bị bão đánh tan hoang. Ông Tình cho hay: "Vợ chồng vay mượn ngân hàng về mở xưởng giờ trắng tay".
Người dân lợp lại mái nhà ở khu tái định cư phường Kỳ Long
Bình luận (0)