Đó là vườn sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng trên dãy núi Ngọc Linh, thuộc địa phận xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
Vườn sâm được trồng dưới tán rừng có độ cao 2.200 m
Vào những năm đầu thập niên 90, sâm Ngọc Linh chỉ vài trăm ngàn đồng/kg. Biết đây là loại sâm quý, đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh nên công ty đã thu gom của người dân và gây trồng. Sau khi mua được sâm Ngọc Linh tươi, công ty cắt đầu mầm để cấy trực tiếp dưới những tán rừng. Sau khi triển khai, phương pháp này cho kết quả tốt, chỉ 2 năm sau là cây sâm đã ra hoa, cho hạt. Qua nhiều năm, những gốc mầm này đã tạo ra được cả một vườn đầy sâm rộng lớn. Qua thời gian, quy trình nhân giống sâm bằng hạt từ cây đầu mầm và gieo ươm, châm sóc sâm Ngọc Linh cũng được hoàn thiện.
Năm 2010, UBND tỉnh Kon Tum đã chấp thuận cho công ty để trồng cây dược liệu và sâm Ngọc Linh dưới tán rừng kết hợp bảo vệ và phát triển rừng với diện tích 5.000 ha. Tới nay, công ty đã trồng được hơn 400 ha, tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 hộ dân nghèo tại huyện Tu Mơ Rông. Ngoài việc được nhận lương hằng tháng, mỗi năm các hộ liên kết này nhận hơn 50.000 cây giống, vật liệu để trồng, phát triển trên quỹ đất của công ty. Khi thu hoạch, người dân sẽ hưởng 100% giá trị sản phẩm.
Một củ sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi
Anh A Dũng (công nhân, người dân tộc Xê Đăng) cho biết trồng sâm Ngọc Linh không khó, cái khó là bảo vệ sâm. Khi hạt giống được ươm thành những cây giống 1 năm tuổi sẽ được mang trồng dưới tán rừng với độ che phủ trên 90%, khoảng cách giữa các cây 25 cm. "Trồng sâm quan trọng nhất là phải có lớp mùn dày, một năm thì phải bỏ 2 lần mùn bổ sung vào gốc cây. Nếu mưa thì lấy lá che gốc cho lớp mùn khỏi bị nước làm bung ra khỏi gốc" – anh Dũng nói và cho biết cây sâm phát triển mạnh nhất từ sau tết âm lịch tới khoảng tháng 8 và sau đó vào giai đoạn "ngủ". Lúc ngủ, cây sâm sẽ dần rụng hết lá, vùi củ trong những lớp lá mục ruỗng.
Việc bảo vệ sâm khỏi sự nhòm ngó của "sâm tặc" và của các loài động vật gặm nhấm mới thực sự nan giải với những công nhân nơi đây. Để lên được vườn sâm, chúng tôi phải đi qua 3 chốt bảo vệ. Các công nhân ở đây cho biết mỗi tối phải thay nhau đi tuần tra, canh gác và thực hiện nhiều biện pháp khác để ngăn "sâm tặc". Tuy nhiên, đó là với con người, còn các loại động vật tới ăn sâm nhiều vô kể. Đặc biệt là loài chuột thì phải đặt bẫy để ngăn chặn. "Nhưng chuột đặt bẫy cũng không thể bắt hết được. Cây sâm đang ra hoa phải làm "lồng" để bảo vệ hoa. Nếu không chuột sẽ cắn ngã cả cây. Đó là chưa kể các loài chim cũng tìm đến để ăn sâm" – anh Dũng kể.
Ngoài ra, một thách thức khác hiện nay là việc nhức nhối nạn sâm giả. Trong khi sâm Ngọc Linh tự nhiên đã dần cạn kiệt, các công ty trồng sâm chưa bán ra thị thường nhưng sâm Ngọc Linh vẫn được rao bán tràn lan.
Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, cho biết toàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị trồng và cung cấp giống sâm Ngọc Linh. Hiện hai đơn vị này chưa bán sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh giả vẫn bán trôi nổi trên thị trường nên chắc chắn có tới 70-80% trong số này là hàng giả.
Vườn ươm giống sâm Ngọc Linh
Cây giống 1 năm tuổi sẽ được mang ra trồng thành luống, dưới tán rừng có độ che phủ 90%
Đến nay Công ty CP Sâm Ngọc Linh đã trồng được hơn 400 ha
Vườn sâm trồng năm 2008
Khi sâm "ngủ", các lá sẽ rụng hết chỉ còn củ sâm vùi trong lớp mùn
Một cây sâm Ngọc Linh ra hoa chỉ cho cao nhất được khoảng 10 hạt
Hoa sâm được bảo vệ khỏi sự nhòm ngó của chuột
Bẫy để bắt chuột đến phá hoại sâm
Ông Trần Hoàn, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, cho biết hiện công ty vẫn chưa bán sản phẩm nào ra thị trường mà đang tập trung nhân giống mở rộng diện tích. Sở dĩ sâm Ngọc Linh bị làm giả là do giá trị kinh tế cao từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/kg. Một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng hạt giống, củ có hình dạng giống với sâm Ngọc Linh mang từ Trung Quốc vào các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam bán cho người dân mua về sử dụng. Hiện nay tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Kon Tum, Quảng Nam cũng đang được trưng bày, bán một cách công khai sâm Ngọc Linh giả. "Đặc biệt nguy hiểm là sâm giả nếu mang đi trồng tại vùng núi Ngọc Linh sẽ khiến cho cây sâm Ngoc Linh gốc bị lai tạp, dần dần sẽ mất nguồn gen gốc đặc hữu của sâm Ngọc Linh" – ông Hoàn nói và cho biết nếu có "sâm Ngọc Linh" bán trên thị trường thì đa phần là sâm giả.
Bình luận (0)