Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 10-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội (gọi tắt là Vành đai 4) và dự án đường Vành đai 3 TP HCM (gọi tắt là Vành đai 3).
Đề nghị Thủ tướng ủy quyền địa phương chỉ định thầu
Dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 112,8 km, qua địa phận TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của dự án khoảng 85.813 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT. Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,34 km, đi qua TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An với tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án từ năm 2022-2027.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng đường Vành đai 3 sẽ tạo ra hiệu ứng đột phá và tháo gỡ một điểm nghẽn nhiều năm qua cho việc phát triển và hồi phục kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM. ĐB Nghĩa kiến nghị QH cho phép Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan đến dự án xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu của dự án. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu cần xin ý kiến thì chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng. Trường hợp cần thiết thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng đường Vành đai 3 sẽ tạo ra hiệu ứng đột phá cho phát triển khu vực miền Đông Nam Bộ, trong đó có TP HCM. Ảnh: NGUYỄN NAM
ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đề nghị cần có một cơ chế xử lý đặc biệt, có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP HCM, Hà Nội và các địa phương thực hiện 2 dự án.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) kiến nghị cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất 2 bên đường vành đai. Bởi lẽ, đường Vành đai 4 và đường Vành đai 3 đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác, đây là cao tốc của vành đai. Khi các tuyến vành đai này hình thành cũng sẽ hình thành theo các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối. Đây chính là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng. Nếu không có biện pháp khai thác, nguồn lực này sẽ bị lãng phí.
ĐB Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với việc giải phóng mặt bằng một lần để tránh tốn kém sau này vì đất xung quanh các tuyến vành đai sẽ tạo nên một nguồn lực và giá của nó sẽ tăng lên rất nhanh. Nếu không giải phóng mặt bằng một lần, sau này làm đến đâu giải phóng đến đấy thì trong tương lai chúng ta sẽ phải tốn chi phí rất lớn và rất khó khăn.
Tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả 2 dự án đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP HCM.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các ĐB để xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 và dự án đường Vành đai 3, trình QH xem xét thông qua.
Không thể chần chừ 3 đường cao tốc trọng điểm
Chiều cùng ngày, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Đa số ĐBQH bày tỏ ủng hộ, thống nhất cao chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc như tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Theo ĐB Chau Chắc (An Giang) qua hơn 16 năm xây dựng đường cao tốc, cả nước mới đưa 1.163 km vào khai thác, đạt khoảng 18% so với quy hoạch, chưa hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đạt 2.000 km đường cao tốc. Đối với đường cao tốc ở vùng ĐBSCL thì chỉ mới đạt 2,29 km/triệu dân, trong khi bình quân chung cả nước đạt 11,42 km/triệu dân. Mạng lưới đường bộ của vùng cũng chỉ đáp ứng dưới 30% khối lượng vận tải hàng hóa, 80% khối lượng hành khách, trong khi đó, số lượng vận tải hành khách và hàng hóa trên năm của vùng chiếm khoảng 20% của cả nước. Vì vậy, dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án rất quan trọng, cấp thiết, có tác dụng liên kết vùng, mở rộng không gian, lan tỏa lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo trong vùng và biên giới Tây Nam, mở rộng giao lưu quốc tế.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, nhấn mạnh việc đầu tư 3 tuyến đường ở giai đoạn này là cần thiết và phù hợp, nhằm giải quyết điểm nghẽn về giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các vùng. Bà Bạch Tuyết kiến nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm đời sống của người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất.
Giải trình thêm về các dự án cao tốc này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định đây đều là các dự án cấp bách, không thể chần chừ thêm. Ngoài việc tạo đột phá về giao thông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa xã hội rất lớn đối với vùng ĐBSCL. Còn với dự án đường bộ cao tốc là Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, không chỉ tạo đột phá phát triển kinh tế, mà còn bảo đảm quốc phòng, an ninh. Riêng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nếu không có tuyến đường này, sắp tới mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải thì không vận chuyển hàng xuống được. Hiện chỉ có Quốc lộ 51, 8 làn xe nhưng quá tải nghiêm trọng. Cảng Cát Lái TP HCM cũng quá tải nếu không triển khai dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin thêm, sau khi được QH thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư các dự án. "Theo tính toán, phải mất 1 năm để hoàn thành thủ tục, đến giữa năm 2023 hoặc quý IV/2023 là có thể khởi công 3 dự án cao tốc này. Sau đó, sẽ cho tạm ứng tối đa khoảng 50% giá trị xây lắp theo quy định. Bên cạnh đó, từ nay đến khi khởi công có thể giải phóng mặt bằng được 80%-90%. Khi quyết tâm sẽ giải ngân đúng tiến độ" - Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói.
Phải tránh các hệ lụy mất cán bộ do chỉ định thầu
Liên quan đến nội dung thảo luận về chỉ định thầu dự án, tranh luận với ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng 2 dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 là 2 công trình "để đời cho con cháu", cần giao Thủ tướng Chính phủ "cầm trịch", nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng "xôi đỗ" và không đồng nhất.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng chỉ định thầu có nguy cơ tạo ra những kẽ hở, cơ chế xin cho. Nếu chúng ta làm không cẩn thận sẽ có hệ lụy rất lớn... "Đề nghị trong quá trình triển khai phải làm thật tốt, thật kỹ để tránh chuyện sau này lại tiếp tục phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế" - ĐB Tạ Văn Hạ lưu ý.
Đồng tình cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
Cùng ngày, QH thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Nhiều ĐBQH đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, cho phép tỉnh Khánh Hòa thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng Khánh Hòa rất xứng đáng, thậm chí xứng đáng hơn các địa phương khác, vì tỉnh có huyện đảo Trường Sa và cảng Cam Ranh thuộc vịnh Cam Ranh - một cảng biển nước sâu, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước. Tuy nhiên, Khánh Hòa cần có sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách đặc thù của 8 địa phương trước đó để cơ chế đặc thù của tỉnh rõ ràng hơn. "Điều quan trọng là phải tạo cho Khánh Hòa có năng lực pháp lý của chính quyền để tự định đoạt được cơ chế thu hút đầu tư" - ĐB nêu rõ.
Bình luận (0)