Qua 25 năm hình thành và phát triển, quy mô kinh tế của Bình Dương tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỉ đồng - gấp 104,3 lần so với năm 1997, đứng thứ 3 cả nước, sau TP HCM và Hà Nội. Trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần, đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần.
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24) ngày 23-10, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết như trên.
Thách thức bẫy thu nhập trung bình
Theo ông Võ Văn Minh, Bình Dương đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người; thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sau TP HCM; thứ 3 về tổng thu nội địa và về tỉ lệ trích nộp vào ngân sách trung ương (64%)… Thành quả này đã đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/người/năm.
Quá trình phát triển đó đã giúp Bình Dương bước đầu tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ. Điều này thể hiện qua việc Bình Dương sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và một số đoạn thuộc Vành đai 4 đi qua tỉnh, tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.
Bình Dương vừa tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Ấn Độ năm 2022
Tuy nhiên, việc trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước và là địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao đã đặt Bình Dương đứng trước nhiều thách thức, trong đó có bẫy thu nhập trung bình. Tỉnh Bình Dương đã xây dựng chiến lược 6 trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình thông qua việc vượt qua 6 bẫy thành phần.
Trụ cột thứ nhất: Vượt bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển kế thừa. Trụ cột thứ hai: Vượt bẫy năng suất lao động tổng hợp thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo. Trụ cột thứ ba: Vượt bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp. Trụ cột thứ tư: Vượt bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững. Trụ cột thứ năm: Vượt bẫy phụ thuộc thông qua phát triển đa phương. Trụ cột thứ sáu: Vượt bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển bao trùm, đồng đều
Sáu trụ cột này sẽ bao hàm thực thi việc tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng. Chẳng hạn, với trụ cột thứ hai, Bình Dương xác định cần tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai.
Những điểm "nghẽn" cố hữu
Theo ông Võ Văn Minh, mặc dù mục tiêu, định hướng đã rõ ràng nhưng để hiện thực hóa thì còn vô vàn vấn đề cần giải quyết. Qua quá trình thực hiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 53/2005 của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Dương đã nêu những điểm nghẽn cố hữu mà Vùng Đông Nam Bộ nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên kết phát triển vùng đã và đang gặp phải.
Thu hút doanh nghiệp FDI là thế mạnh của Bình Dương
Thứ nhất, nhiều địa phương trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai chưa có cơ chế đặc thù và được đầu tư đúng mức để thực hiện chức năng phát triển của nó.
Thứ hai, kết cấu hạ tầng mặc dù được đầu tư khá lớn, đồng bộ nhưng ngày càng quá tải, chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao, chuyên khoa sâu... Các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng do trung ương đầu tư còn hạn chế và chậm triển khai, nhất là hạ tầng giao thông cả trên đường bộ, đường sắt (đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Vành đai 3, 4 TP HCM; tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh)…
Thứ ba, hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân và hoạt động sản xuất - kinh doanh còn nhiều điểm vướng mắc, chồng chéo và chậm được sửa đổi. Các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách thuế, tín dụng, xuất nhập khẩu... chưa thật sự thông thoáng để tạo môi trường đầu tư và cạnh tranh thuận lợi, chưa tạo được động lực cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Tỉ trọng đóng góp của các nhân tố tổng hợp chưa đạt như kỳ vọng.
Thứ tư, chất lượng nguồn lao động mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và biên chế vẫn là vấn đề chưa giải quyết được trong thời gian qua.
Kiến nghị Trung ương sớm hoàn thành quy hoạch vùng
Để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế của Đông Nam Bộ và nâng cao tính năng động của các địa phương trong vùng như tinh thần Nghị quyết 24, tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; có các chính sách để các địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, thu hút và cung ứng lao động.
Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3 - TP HCM
Bình Dương cũng kiến nghị xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Cần có cơ chế đặc thù cho Đồng Nam Bộ trong điều tiết ngân sách cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh trong vùng nói chung và Bình Dương nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực...
Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương xem xét, phân bổ nguồn lực biên chế phù hợp, tương xứng với quy mô, tiềm năng phát triển của tỉnh để đáp ứng các nhu cầu phát triển hiện tại của địa phương; sớm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 24 để có định hướng, cơ chế đặc thù để vùng tận dụng các cơ hội sẵn có, sớm hướng đến những mục tiêu, định hướng rõ ràng đã được Bộ Chính trị đặt ra.
Bình Dương kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi các luật liên quan đầu tư công cũng như hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh theo nguyên tắc đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng để tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình đưa vốn đầu tư vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của quốc gia.
Bình luận (0)