Ngày 15-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi). Đây là 2 dự án luật còn có nhiều luồng ý kiến của các đại biểu (ĐB) về những nội dung được sửa đổi, bổ sung.
Băn khoăn cấm dịch vụ đòi nợ
Trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã bổ sung ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Thảo luận tại tổ, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (tỉnh Long An) cho rằng một số địa phương nở rộ dịch vụ này như Hà Nội, TP HCM đều ghi nhận tình trạng biến tướng phức tạp, sử dụng đối tượng xã hội đen đến nhà con nợ để đe dọa, hành hung nhằm đòi nợ. Vị ĐB tỉnh Long An đồng tình với đề xuất của Chính phủ khi cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, ĐB Dung cũng chỉ rõ người dân, DN khi có tranh chấp nợ nần lại không đến các cơ quan nhà nước yêu cầu hỗ trợ, giải quyết mà thuê DN đòi nợ hoặc bán lại nợ theo tỉ lệ thỏa thuận.
ĐB Mùa A Vàng (tỉnh Điện Biên) cũng đồng tình với đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng cần đánh giá hiệu quả của các công ty được cấp phép dịch vụ này do việc đánh giá biến tướng, gây hệ lụy rất chung chung, thậm chí do DN chưa được cấp phép gây ra.
Ở chiều ngược lại, ĐB Lê Công Nhường (tỉnh Bình Định) cho rằng dịch vụ đòi nợ là nhu cầu của xã hội, nếu cấm sẽ biến tướng. Ông Nhường nhấn mạnh cần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, chặt chẽ để quản lý thay vì cấm. Vị ĐB này dẫn chứng tín dụng đen cấm, siết chặt thì biến tướng hoạt động trên mạng, nên đòi nợ thuê cũng không thể loại trừ. ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM) cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ là phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhưng cần đặt vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương, công an khi để xảy ra các vụ việc đòi nợ thuê kiểu giang hồ.
Làm rõ thêm về nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận trên thực tế, nhu cầu thuê các công ty đòi nợ là có, trong đó có cả mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực của dịch vụ này là bảo vệ được quyền lợi của bên cho vay, giúp thu hồi các khoản nợ. Tuy nhiên, dịch vụ này hiện rất phức tạp, biến tướng khi tín dụng đen nở rộ, dùng xã hội đen để đòi nợ và Bộ Công an đã đề nghị cấm dịch vụ này.
Ngay sau ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐB Hoàng Văn Liên (tỉnh Long An) đặt vấn đề nếu quy định cấm dịch vụ này được thông qua, những DN đã được cấp phép trước đó sẽ xử lý ra sao? Thừa nhận chưa có điều khoản chuyển tiếp trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tiếp thu ý kiến này để xem xét, hoàn thiện dự án luật.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát biểu tại buổi thảo luận về 2 dự án luật Ảnh: Ngọc Thắng
Có nên "quản" hộ kinh doanh
Dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã bổ sung chương về hộ kinh doanh (HKD). Theo đó, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD là một hình thức kinh doanh; đồng thời quy định rõ địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của HKD, bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với HKD như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, bổ sung quy định về chuyển đổi HKD thành DN nhằm khuyến khích HKD chuyển đổi.
ĐB Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, băn khoăn khi đưa HKD vào dự án luật này. Nêu rõ HKD là thành phần quan trọng của nền kinh tế với 5 triệu hộ, ĐB Đỗ Văn Sinh cho biết hiện chỉ có 1,4 triệu hộ nộp thuế, còn lại là đóng thuế khoán, dẫn tới sự thiếu minh bạch hoặc thậm chí là HKD phải bỏ tiền thuế khoán nhiều hơn mà nhà nước lại không thu được. Vì vậy, ĐB Sinh cho rằng cần có một luật riêng để điều chỉnh về HKD, còn đưa vào Luật DN chỉ sẽ điều chỉnh chung chung. "Trước mắt, Chính phủ nên ban hành một nghị định về đối tượng này để xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, quản trị, kế toán theo hướng tinh gọn, nhẹ nhàng" - ĐB Đỗ Văn Sinh kiến nghị.
Đồng tình quan điểm, ĐB Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) nhấn mạnh không nên đưa HKD vào Luật DN vì không thuộc phạm vi điều chỉnh. ĐB Nguyễn Quốc Bình khẳng định cần có nghị định về HKD và tiến tới ban hành một luật riêng để điều chỉnh đối tượng này. Ông cũng đưa ra một phương thức khác là đổi tên Luật DN hiện hành thành Luật DN và HKD nếu muốn đưa 5 triệu HKD vào phạm vi điều chỉnh của luật. "Có những HKD doanh thu lớn hơn cả DN nhưng vẫn không đăng ký thành lập DN. Giải pháp là chúng ta cần quản lý tốt về thuế, khi đó HKD muốn phát triển họ sẽ tự đăng ký thành lập DN" - ĐB Nguyễn Quốc Bình đề xuất.
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đề nghị phải làm rõ việc đưa HKD vào luật thì có mặt tích cực và hạn chế thế nào đối với các HKD và công tác quản lý nhà nước. Vấn đề này cũng được ĐB Hoàng Bình Quân (tỉnh Tuyên Quang) đặt vấn đề việc đưa HKD vào luật để điều chỉnh cần lấy ý kiến của các HKD.
Về quy định DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu trong dự thảo luật, đại diện cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, đánh giá việc này sẽ giúp giảm một thủ tục hành chính cho DN và ở nhiều nước trên thế giới quy định về văn bản, hợp đồng... chỉ cần có chữ ký mà không cần có con dấu là chính thức hợp pháp. Tuy nhiên, việc bỏ con dấu sẽ phát sinh những thủ tục khác phức tạp hơn khi có tranh chấp xảy ra. Theo ông Vũ Hồng Thanh, ở nước ta, con dấu đang trở thành một yếu tố bảo đảm độ tin cậy để khẳng định địa vị pháp nhân của DN, niềm tin và chính danh, đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý. "Việc bỏ con dấu cũng cần rà soát với các luật khác do một số luật hiện hành có quy định về con dấu của DN. Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải đánh giá tác động, cân nhắc kỹ khi bỏ con dấu trong điều kiện, môi trường kinh doanh ở nước ta hiện nay" - ông Thanh nói.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng quy định như dự thảo luật là ý tưởng tiến bộ nhưng khi tranh chấp thì việc xác định chữ ký rất khó nên kiến nghị không đưa vào nội dung này. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) cho biết hiện nay việc thực hiện quy định về con dấu DN không gặp vướng mắc gì nhiều, nếu bỏ sẽ phát sinh các vấn đề phức tạp.
Ưu đãi nhưng không để bị lợi dụng chính sách
Về nhóm các quy định về ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), ĐB Đỗ Văn Sinh kiến nghị cơ quan soạn thảo cần thiết kế luật để ngăn chặn tình trạng DN lợi dụng chính sách để nhận ưu đãi, hưởng lợi trong thời gian dài, sau đó ngừng hoạt động hoặc giảm thời gian đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận có tình trạng lợi dụng chính sách. Do đó, dự án Luật sẽ thay đổi cơ chế ưu đãi, khuyến khích các ngành nghề mới, địa bàn mới, ưu đãi phải đúng và tương xứng hiệu quả đầu tư.
Độ tuổi thanh niên từ 16-30 hay 16-35?
Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết về độ tuổi của thanh niên, ngay trong điều 1 chương 1 của dự luật quy định: "Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi".
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình cho biết một số ý kiến tán thành quy định này để nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên phát triển (ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, kỹ năng...). Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng nên quy định độ tuổi thanh niên là từ đủ 16-35 cho phù hợp với tình hình thực tiễn. "Đề nghị Ban Soạn thảo dự luật tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thông tin về độ tuổi thanh niên ở một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, đồng thời có báo cáo đánh giá tác động về các chính sách của nhà nước dành cho thanh niên để ĐBQH có căn cứ quyết định" - ông Phan Thanh Bình nói.
Với quy định quản lý nhà nước về thanh niên, qua thảo luận, một số ý kiến đồng ý với dự thảo luật, giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng cần nghiên cứu để giao nhiệm vụ này cho một bộ khác có chức năng và hoạt động phù hợp hơn, gắn với thanh niên nhiều hơn. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh đang thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chỉ nên quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên. Đặc biệt, có một số ý kiến đề nghị thành lập một bộ mới có nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, không phát sinh biên chế và phát huy được vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
V.Duẩn
Bình luận (0)