Ngày 7-10, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 30, Ủy ban Pháp luật thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Chính quyền cho đô thị đặc biệt
Thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày đã nêu rõ sự cần thiết xây dựng dự thảo nghị quyết. Theo đó, TP HCM là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. "Xuất phát từ cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết" - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay theo dự thảo nghị quyết quy định chính quyền địa phương ở TP HCM gồm có HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác trên địa bàn TP được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Các nhiệm vụ của HĐND quận, phường được điều chuyển cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP, UBND quận, phường, bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 30 vào ngày 7-10. Ảnh: TTXVN
Để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương tại TP HCM, từ ngày 1-7-2021 - là thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì nghị quyết này cần có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, bảo đảm có đủ thời gian để chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Do vậy, Chính phủ đề xuất, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho áp dụng xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2020 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, khai mạc vào ngày 20-10-2020. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm nghị quyết này có hiệu lực thì áp dụng theo nghị quyết này.
Băn khoăn không thực hiện thí điểm
Trình bày báo cáo ý kiến nghiên cứu về dự thảo nghị quyết của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho biết khác với việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Đà Nẵng đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại các kỳ họp trước, trong lần trình này, Chính phủ đề nghị xác định tên gọi của dự thảo nghị quyết là Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM để áp dụng trực tiếp và lâu dài, không áp dụng thí điểm, thử nghiệm trước khi tiến hành tổng kết, đánh giá để áp dụng trên phạm vi rộng.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng khó lý giải về việc "không áp dụng thí điểm" khi trong cùng thời điểm từ ngày 1-7-2021 (cũng là thời điểm 2 nghị quyết về việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Đà Nẵng có hiệu lực thi hành) có 3 nghị quyết của Quốc hội quy định về tổ chức chính quyền đô thị ở 3 TP khác nhau. Tuy nhiên, 2 địa phương là thực hiện thí điểm, 1 địa phương lại không thí điểm mà thực hiện ngay. Với các lý do nêu trên và để bảo đảm cơ sở chính trị, tính thận trọng khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tên gọi của dự thảo nghị quyết này cần là dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM.
Tại phiên họp, cho ý kiến dự thảo nghị quyết, các đại biểu ủng hộ việc bổ sung dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 tới. Tuy nhiên, các đại biểu còn có ý kiến khác nhau về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, trong đó một số ý kiến tán thành với đề nghị về tên gọi, phạm vi của dự thảo nghị quyết như đề xuất của Chính phủ, vì các lý do được Chính phủ đưa ra và đây cũng là mong muốn của cử tri, người dân TP HCM.
Đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững
Chính phủ vừa thống nhất việc trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, sau khi thảo luận nội dung này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 2-10-2020.
Phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP tiến hành xây dựng đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP đối với vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững trong thời gian tới; đồng thời, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.
Bình luận (0)