Chính phủ vừa thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, cho phép xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; thực hiện việc trình dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu về Đề án xây dựng chính quyền đô thị tại TP HCM ở hội nghị thẩm định đề án do Bộ Nội vụ tổ chức
Mới đây vào các ngày 25 và 29-9, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo một số sở ngành của TP đã dự các hội nghị thẩm định này.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà vẫn phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao tính minh bạch, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý của chính quyền. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Đi vào những nét chính của Đề án, ông Huỳnh Thanh Nhân nêu rõ chính quyền địa phương ở TP HCM là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND TP và UBND TP. "Chính quyền địa phương ở quận là UBND quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính quyền địa phương ở phường là UBND phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ"- ông Nhân nói và cho biết việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Đề án cũng điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP HCM và quy định nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường. Với những thay đổi này, khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, cơ cấu tổ chức của các quận, phường gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt. Cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi trị trí việc làm.
Đặc biệt, nhân sự của UBND cấp quận, cấp phường đều thực hiện chế độ bổ nhiệm nên thuận lợi trong chỉ đạo điều hành các công việc, linh hoạt hơn trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, thực hiện tinh giản biên chế, giảm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp đại biểu HĐND ở quận và ở phường. Ngoài ra, góp phần cải cách hành chính, giảm bớt trình tự, thủ tục trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương quận, phường, giảm thời gian giải quyết công việc.
Làm rõ thêm về quá trình xây dựng Đề án, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết địa phương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng với tất cả 24 quận, huyện, 259 phường từ năm 2009 - 2016 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12. Theo đó, khi thực hiện thí điểm, quyền làm chủ của nhân dân luôn được đảm bảo và không ngừng phát huy thông qua việc tăng cường và đẩy mạnh hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP, thông qua vai trò của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, trong quá trình xây dựng đề án, TP HCM đã phối hợp với các cơ quan, các cấp để đánh giá, so sánh với kết quả không tổ chức HĐND quận, phường giai đoạn trước để đề xuất trong đề án hiện nay.
Bình luận (0)