Kể từ khi Mỹ châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, làn sóng tái cơ cấu chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra rõ nét hơn bao giờ hết. Dịch Covid-19 càng góp phần khiến sự dịch chuyển này nhanh, mạnh và toàn diện hơn. Nhờ tác động khách quan cùng với một vài lợi thế sẵn có, đặc biệt là việc ký kết nhiều hiệp định thương mại với các đối tác lớn trên thế giới, sức hút của Việt Nam đối với dòng vốn ngoại có phần nổi trội hơn một số quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, để lợi thế này không chỉ mang tính thời điểm mà trở thành lâu dài, chúng ta phải tạo ra sức hấp dẫn riêng của mình, nhất là sức hấp dẫn đối với dòng vốn chất lượng cao từ Mỹ và châu Âu. Từ trước đến nay, vốn FDI vào Việt Nam phần lớn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và Trung Quốc. Trong khi đó, chúng ta đang kỳ vọng dòng FDI từ Mỹ và châu Âu với công nghệ cao, sạch, không sử dụng lao động chi phí thấp. Đây cũng chính là loại đầu tư rất phù hợp với đường hướng cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đang thực hiện.
Vậy các nhà đầu tư sở hữu dòng vốn sạch mong muốn gì? Họ cần chính sách, luật pháp ổn định, khi thực thi phải dự đoán được; loại bỏ tiền "gầm bàn", không có chi phí không chính thức. Mặt khác, mỗi nhà đầu tư lại có những yêu cầu rất khác nhau. Do vậy, thiết kế chính sách phải linh hoạt theo hướng chính sách "may đo" theo nhu cầu, thay vì "may sẵn" buộc họ phải chấp nhận. Nếu thị trường nào không đáp ứng được những yêu cầu này, tức là không bảo đảm cho họ những yếu tố cần thiết để hạn chế rủi ro pháp lý, chắc chắn họ sẽ tránh. Đồng thời, phải thu hút được doanh nghiệp nội hỗ trợ đối tác nước ngoài tham gia chuỗi dịch chuyển để vừa tạo thuận lợi cho họ vừa tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước khi chỉ mang lại cơ hội và lợi thế cho nước ngoài.
Vấn đề lao động vẫn là điều đáng lo hơn cả. Giai đoạn thu hút đầu tư sử dụng lao động chi phí thấp đã qua như một yêu cầu phát triển tất yếu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, không dễ dàng cải thiện được chất lượng lao động để đáp ứng ngay nhu cầu của nhà đầu tư trong nước, chưa nói đến nhà đầu tư nước ngoài. Trước mắt, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho bộ, ngành, địa phương phối hợp với nhà đầu tư nước ngoài thiết kế những chương trình hỗ trợ đào tạo lao động để phục vụ cho dự án cụ thể theo kiểu xây dựng chính sách hợp tác "trọn gói". Việc này giúp tránh tình trạng đào tạo tràn lan nhưng không phù hợp với nhu cầu đặc thù của nhà đầu tư.
Chỉ khi làm được tất cả những điều trên, chúng ta mới chọn được nhà đầu tư có chất lượng, đúng như Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Bình luận (0)