Ngày 12-5, tại TP HCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội".
Tại hội thảo, đa số đại biểu cho rằng cần nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - phát biểu tại hội thảo
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua Đề án số 06 về nâng cao vai trò của MTTQ thành phố và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP HCM giai đoạn 2021-2030. Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 13/2021 về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06.
"Đây là văn bản quan trọng, là cơ chế để hệ thống MTTQ từ thành phố đến cơ sở thực hiện hiệu quả công tác giám sát, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh" - bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng cần có quy chế mẫu về giám sát và phản biện xã hội để tạo thuận lợi cho MTTQ các cấp áp dụng thuận lợi. Trong quy chế mẫu nên nêu về công tác phối hợp giữa chính quyền và MTTQ. Để công tác giám sát, phản biện đi vào thực chất hơn nữa, cấp ủy phải có vai trò cụ thể là lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về công việc này.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Tiến Châu - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - đánh giá qua thảo luận cho thấy công tác giám sát và phản biện xã hội rất quan trọng; là chỗ dựa vững chắc của Đảng cũng như giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của nhà nước. Cùng với đó, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo đảm tốt hơn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy cao nhất.
"Các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học giúp đánh giá kết quả đã đạt được, thấy những hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm… để đề ra các biện pháp nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội với hiệu quả cao hơn" - ông Lê Tiến Châu nhận xét.
Bình luận (0)