Bởi lẽ, lần đầu tiên, hàng trăm tài xế chạy xe cho Vinasun - đại diện cho hàng ngàn người lao động - cầm băng-rôn kéo đến phiên tòa dân sự cùng lời kêu gọi được đối xử công bằng trong việc ban hành và thực thi chính sách của nhà nước.
Chuyện này xuất phát từ việc Grab được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép thực hiện "Thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng" (gọi tắt là Đề án 24). Theo đó, Grab được Bộ GTVT định danh là "đơn vị cung ứng phần mềm kết nối" cho các doanh nghiệp (DN), HTX vận tải. Nhiệm vụ chính của Grab là cài đặt ứng dụng đặt xe qua thiết bị di động cho tài xế thuộc DN, HTX vận tải để khách hàng thực hiện đặt xe theo hợp đồng.
Tuy nhiên, Grab không chỉ "cung ứng phần mềm kết nối" như Đề án 24 mà trên thực tế, việc đưa ra giá cước, điều động tài xế, thu phí hành khách đều thông qua sự điều hành của Grab. Không chỉ vậy, Grab còn khuyến mãi 0 đồng để "giật" khách! Chính vì vậy, các hãng taxi truyền thống cáo buộc Grab đã lợi dụng chính sách của nhà nước để kinh doanh taxi trá hình chứ không phải hoạt động kinh doanh "cung ứng phần mềm" như Đề án 24 gọi tên.
Đề nghị của các tài xế VinasunẢnh: PHẠM DŨNG
Trong các nội dung Vinasun kiện Grab có yêu cầu tòa án định danh Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi. Đây cũng chính là tiếng nói chung của các hãng taxi truyền thống. Họ cùng các hiệp hội taxi TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã nhiều lần gửi văn bản lên Bộ GTVT kiến nghị có sự định danh chính xác và đúng bản chất hoạt động của Grab là kinh doanh vận tải taxi. Gần đây nhất, Tòa án Công lý của châu Âu cũng phán quyết Uber (kinh doanh tương tự Grab) là DN kinh doanh vận tải thông thường.
Phải thừa nhận việc Grab đưa "công nghệ phần mềm đặt xe" vào Việt Nam đã kích thích tiêu dùng và phần nào tạo sự tiện lợi cho hành khách nhưng kinh doanh phải theo luật định nước sở tại và cạnh tranh phải sòng phẳng. Các hãng taxi truyền thống còn cáo buộc Grab gây nên sự bất bình đẳng trong việc thực thi chính sách thuế và các chính sách an sinh xã hội khác. Hiện nay, các hãng taxi phải nộp thuế GTGT 10%, thuế thu nhập DN 20%, trong khi Grab hưởng thuế suất thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, các hãng taxi truyền thống phải thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… cho người lao động, còn Grab thì không. Cùng kinh doanh vận tải taxi nhưng một bên phải thực hiện nhiều nghĩa vụ, một bên thực hiện ít nghĩa vụ hơn, dù có giải thích thế nào thì sự bất bình đẳng cũng đã nói lên tất cả. Điều này tác động không nhỏ đến thu nhập và các quyền lợi thiết thân của người lao động làm việc trong những hãng taxi truyền thống. Đằng sau mỗi tài xế là một gia đình.
Từ vụ tranh chấp của Vinasun và Grab, thấy rằng việc xây dựng, ban hành chính sách liên quan đến đời sống người lao động cần phải thật rõ ràng, không có kẽ hở để cho tổ chức, cá nhân này lợi dụng nhằm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Điều quan trọng hơn là để mọi thành phần kinh tế đều được đối xử công bằng trong sân chơi chung.
Bình luận (0)