Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (bên phải), chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động về chuyện "bếp núc" của bản tin dự báo - Ảnh: Thu Hạnh
Hẹn lên hẹn xuống, thậm chí đã xin đăng ký ngay sau khi siêu bão "dị thường" số 16 (có tên quốc tế là Tembin) hướng vào khu vực Nam Bộ. Thế nhưng phải đến khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã cận kề, phóng viên Báo Người Lao Động mới có thể ngồi với một số cán bộ của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, để nghe chia sẻ những chuyện "bếp núc" trong mỗi bản tin dự báo thời tiết.
Dự báo cái gì cũng khó
Nói về chuyện "bếp núc" trong công tác dự báo, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, người có 36 năm công tác trong ngành và trưởng thành từ dự báo viên, chia sẻ: Đã gọi là dự báo thì dự báo cái gì cũng khó. Như dự báo kinh tế, dự báo tăng trưởng, dự báo chứng khoán hay dự báo thời tiết… đều rất khó khăn.
"Dự báo thời tiết, đặc biệt là dự báo thiên tai là rất khó khăn, bởi rất nhiều thứ không thể đong đếm hay đo được"- ông Hải nói.
Nhân viên khí tượng tại đảo Trường Sa Lớn thu thập số liệu quan trắc gửi về đất liền phục vụ công tác dự báo thời tiết ở quần đảo Trường Sa - Ảnh: Văn Duẩn
Theo ông Hải, muốn đưa ra dự báo, đầu tiên là phải quan sát được, rồi sau đó xem xét, phân tích dữ liệu, mà trong y học gọi là "chẩn", để xem các hình thái khí quyển diễn biến ra sao, những hiện tượng đang xảy ra trong khí quyển như thế nào và theo dõi nó, để đưa ra những dự báo. "Trong y học người ta gọi là "chẩn và trị" thì trong khí tượng thuỷ văn gọi là "chẩn và đoán". "Chẩn mà tốt thì đoán mới tốt"- ông Hải chia sẻ.
Trong y học, càng ngày càng có nhiều phương tiện hiện đại phục vụ việc chẩn có tính chính xác cao. Trong ngành khí tượng cũng vậy, hiện nay cũng có những vệ tinh bay trên thượng tầng khí quyển để chụp những bức ảnh về mây, đo nhiệt độ nước biển, radar thời tiết… để "chẩn" cho đúng. "Tuy nhiên, chẩn không phải bao giờ cũng đúng, kể cả trong y học hay dự báo thời tiết cũng vậy"- ông Hải nói.
Thạc sĩ Trần Quang Năng, Trưởng Phòng Hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, cho biết để đưa ra bất kỳ một bản tin dự báo thiên tai nào, đòi hỏi công sức rất lớn của nhiều người. Ông Năng cho biết Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia có gần 3.000 cán bộ, trong đó có 500 dự báo viên và hàng ngàn cán bộ làm công tác quan trắc số liệu.
Đầu tiên, những quan trắc viên ở hàng trăm trạm khí tượng trên cả nước thay phiên nhau làm việc, cứ 3 giờ lại một lần gửi số liệu quan trắc về trung tâm (nếu có bão thì 30 phút gửi số liệu quan trắc/lần).
Thạc sĩ Trần Quang Năng (bìa phải)- Trưởng Phòng Hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, trao đổi với phóng viên
Thông tin từ các quan trắc viên gửi về sẽ được tách làm 2 bộ phận: một phần thông tin được gửi cho quốc tế, dữ liệu này sẽ được cho vào một kho dữ liệu để dùng chung và do Tổ chức Khí tượng thế giới điều tiết. Phần lớn thông tin còn lại sẽ được chuyển cho trung tâm kỹ thuật để xử lý, hiệu chỉnh sau đó truyền về Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương.
Sau khi có dữ liệu từ trung tâm kỹ thuật, các số liệu này sẽ được đưa vào các mô hình do máy tính tính toán để đưa ra một kết quả hoàn toàn khách quan. Sau đó, những dự báo viên sẽ quyết định thảo luận trên những số liệu có được từ quan trắc, mô hình tính toán của máy tính, dựa vào kinh nghiệm để bàn luận, trao đổi, tranh luận… để cuối cùng phải "chốt" để có bản tin dự báo. Đây mới là giai đoạn "cân não". Bởi có những mô hình do máy tính tính toán chạy hoàn toàn sai, do số liệu đầu vào không đầy đủ.
Cán bộ Trung tâm KTTV Trung ương ứng trực bão số 16 cả 24/24 giờ hằng ngày-Ảnh: Việt Hùng
Kể lại sức ép trong công tác dự báo siêu bão số 16 (bão Tembin) - một cơn bão có thể coi là dị thường với sức mạnh khủng khiếp diễn ra hồi cuối tháng 12-2017, Thạc sĩ Trần Quang Năng cho rằng sức ép lớn nhất là việc dự báo cường độ của cơn bão. Việc đưa ra dự báo cấp bão ảnh hưởng rất lớn đến quyết định hành động của Chính phủ cũng như các cấp, ngành, địa phương trong việc ứng phó, phòng chống bão.
"Do đó, mọi người có thể tưởng tượng áp lực trong việc phải đưa ra quyết định bản tin dự báo, nó lớn như thế nào"- Thạc sĩ Năng giãi bày.
Thậm chí khi bão Tembin đi qua khu vực quần đảo Trường Sa, trạm quan trắc ở Trường Sa đã đo được bão mạnh cuối cấp 13, giật đến cấp 15, nếu nó đổ bộ vào khu vực Nam Bộ. "Tôi không dám tưởng tượng đến việc cơn bão này đổ bộ, bởi không thể tưởng tượng được mức độ tàn phá sẽ ra sao đối với Nam Bộ"- ông Năng nói.
Thạc sĩ Trần Quang Năng cho biết với diễn biến cực kỳ nguy hiểm của cơn bão số 16, một thứ trưởng đã gần như thường trực tại Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương. Đặc biệt, đích thân Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có mặt tại phòng họp dự báo của trung tâm để động viên cũng như chỉ đạo công tác dự báo.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường, có thể nói đã phải huy động tất cả những chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực khí tượng, thuỷ văn ở các trường đại học, các viện nghiên cứu… để cùng tham gia công tác dự báo, cùng với đó là tham khảo các dự báo của quốc tế, nhằm đưa ra bản tin tối ưu nhất"- ông Năng cho hay.
"Trong đời làm dự báo, tôi chưa bao giờ trải nghiệm qua cảm xúc nghẹt thở đến như vậy"- Thạc sĩ Năng nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác ứng trực dự báo bão số 16 tại Trung tâm KTTV Quốc gia chiều 24-12-2017 - Ảnh: Việt Hùng
Ông Lê Thanh Hải chia sẻ thêm rằng với bão Tembin, dự báo của các nước đều cho thấy đây là cơn bão rất mạnh và có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng Nam Bộ, nơi vừa tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào tử nạn trong bão Linda.
Cơn bão này đi qua vùng biển phía Nam của biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều đảo lớn, nhỏ của nước ta với các quân, dân sinh sống cũng như bảo vệ chủ quyền. Sâu trong thềm lục địa thì có các nhà giàn, giàn khoan; rồi bên trong thì có các đảo Thổ Chu, Phú Quốc…
Nước biển đã tràn vào và ngập đến thắt lưng các quan trắc viên ở trạm đảo Khí tượng hải văn Trường Sa Lớn. Còn tại khu vực những nhà giàn, giàn khoan, sóng biển cao đến 12 m. Rất khốc liệt. "Trong phòng chống thiên tai, luôn luôn phải đề phòng tình huống xấu nhất. Trong tình huống xấu nhất đặt ra rồi, cần phải tính toán cả tình huống còn xấu hơn tình huống xấu nhất đã đặt ra"-ông Hải nói.
Với cơn bão Tembin, vị phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết ngay tại thời điểm cơn bão đang tiến vào, đã có những dự báo cho rằng cơn bão sẽ yếu đi khi vào đất liền hoặc khi vào sát bờ biển. "Tuy nhiên, chúng ta phải lựa chọn phương án xấu nhất để ứng phó. Mà nói như Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đây là cuộc tập dượt sẽ không có tình huống giả định"- ông Hải nói.
Không có thời gian để chạnh lòng với những khen, chê
Bản thân cái tên dự báo, đã nói lên rằng không phải bao giờ các bản tin cảnh báo thiên tai cũng có độ chính xác tuyệt đối. Và không ít lần, cơ quan dự báo đã phải hứng chịu những lời chỉ trích rất lớn và rất nặng nề từ dư luận, khi dự báo chưa chính xác.
Ông Lê Thanh Hải: "Chúng tôi chẳng còn thời gian để chạnh lòng hay tâm tư về đánh giá khen hay chê" - Ảnh: Thu Hạnh
Ông Lê Thanh Hải nói rằng với một người gần 40 năm trong ngành, "cái cảm xúc không lấy gì làm dễ chịu" ấy, ông có thể chế ngự được. Nhưng với cán bộ trẻ, những lời chỉ trích, nhất là những chỉ trích không khách quan, công bằng, "quả thực không dễ chịu chút nào".
Ông Hải cho biết thời gian gần đây, khi Luật Khí tượng thuỷ văn ra đời, đã quy định rất rõ: quan trắc là phải chính xác, tất cả các số liệu không được phép sai sót; việc truyền các số liệu này về phải hết sức kịp thời, thậm chí một hoặc vài phút phải được truyền về. "Nhưng còn dự báo, kết quả, chất lượng dự báo, có rất nhiều cách để đánh giá nhưng trong luật cũng định rồi: không có dự báo chính xác, không có dự báo hoàn hảo, chỉ có dự báo gần đúng hoặc có một độ tin cậy nhất định nào đó. Mà muốn nâng được độ tin cậy trong dự báo, cần phải có thời gian, quá trình"- ông Hải thẳng thắn.
Vị lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong công tác dự báo cho rằng mỗi một đợt thiên tai, hoặc cơn bão qua đi, những người làm trong ngành khí tượng thuỷ văn lại phải hướng đến một nỗi lo mới, đó là đợt thiên tai hay một cơn bão khác, đang có nguy cơ hay tiếp tục diễn ra. "Nói thật là những nỗi lo lắng làm sao để có bản tin dự báo tốt nhất có thể, đã chiếm hết thời gian, vì vậy chúng tôi chẳng còn thời gian để chạnh lòng hay tâm tư về những đánh giá khen hay chê"- ông Hải nói.
Bình luận (0)