Ngày 2-12, Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ phóng viên Nguyễn Thanh Tuấn, phóng viên Báo Người Lao Động thường trú tại Thanh Hóa, bị nhiều kẻ bịt mặt đi xe máy đến ném chất bẩn vào nhà.
Hình ảnh camera ghi lại 1 đối tượng ném chất bẩn vào nhà ông Nguyễn Thanh Tuấn vào rạng sáng ngay 24-11
Theo đó, từ ngày 24-11 đến ngày 2-12, có nhiều đối tượng lạ mặt đeo khẩu trang, đi xe máy không biển số, lợi dụng đêm khuya đã liên tiếp ném chất bẩn như sơn, dầu luyn, mắm tôm... vào nhà của phóng viên Báo Người Lao Động thường trú tại tỉnh Thanh Hóa.
Theo trình báo của phóng viên Nguyễn Thanh Tuấn với cơ quan chức năng, sự việc xảy ra khiến gia đình anh hoang mang, lo lắng cho tính mạng, sức khỏe. Bản thân anh Tuấn cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thùy, công tác tại Báo Điện tử Dân trí, đều là nhà báo hoạt động trên địa bàn. Trong quá trình tác nghiệp, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tác phong của người làm báo, đúng quy định của pháp luật, không nợ nần, thù oán với cá nhân, tổ chức nào.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết với hành vi tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người khác như nêu trên thì tùy tính chất, mức độ của hành vi có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Cụ thể, Điểm d, Khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ - CP của Chính phủ đã quy định: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đồng đối với các hành vi: Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội thì có thể bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo Khoản 1, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, mức hình phạt đến 2 năm từ giam. Nếu hành vi gây thiệt hại tài sản của người khác giá trị trên 2 triệu đồng thì có thể bị xử lý về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, mức hình phạt có thể đến 3 năm tù giam.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh nguyên nhân sự việc, làm rõ nhóm đối tượng nào thực hiện hành vi dựa trên những mối quan hệ, mâu thuẫn của nạn nhân trong quá trình tác nghiệp báo chí. "Việc dùng chất bẩn để tấn công vào tài sản của người khác là thủ đoạn nguy hiểm, đã diễn ra nhiều trong thời gian gần đây và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Hành vi của nhóm đối tượng trong vụ việc này không chỉ xâm phạm tài sản của phóng viên mà còn gián tiếp đe dọa hoạt động báo chí thì cần phải nghiêm trị. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản cần phối hợp để xử lý kịp thời, bảo vệ tài sản, sức khỏe phóng viên cũng là bảo vệ đúng đắn của hoạt động báo chí"- luật sư Tiền khẳng định.
Liên quan đến vụ việc nêu trên, trong ngày 2-12, ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - đã có văn bản gửi Công an tỉnh Thanh Hoá, Hội Nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hoá, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hoá, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa và các cơ quan hữu quan đề nghị làm rõ vụ việc.
Trong các văn bản trên, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động khẳng định: "Nhà báo Thanh Tuấn trong quá trình tác nghiệp luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, tác phong của người làm báo, đúng quy định của pháp luật, chấp hành các quy định về kỷ luật của cơ quan".
Từ đó, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ sự việc; áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng gia đình nhà báo Thanh Tuấn nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm đến gia đình nhà báo Thanh Tuấn theo quy định pháp luật.
Bình luận (0)