Ngày 24-6, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới". Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - chủ trì tọa đàm.
Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với diện tích khoảng 21.523 km2. Tiểu vùng có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn; thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra biển Đông…
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết cả nước hiện có 4 vùng kinh tế trọng điểm, 6 vùng kinh tế - xã hội nhưng đến nay chỉ có vùng kinh tế trọng điểm là có văn bản pháp quy. Các vùng còn lại, các địa phương chủ yếu liên kết tự phát, do đó hiệu quả, cơ chế chưa có, tính phối hợp, tính đồng thuận công việc, thực hiện các mục tiêu chung của vùng rất khó khăn. "Thời gian tới, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan cần đẩy mạnh hơn nữa, quy định rõ hơn nữa cơ chế điều phối vùng, làm sao có hiệu lực, hiệu quả" - Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Sân bay quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đang là sân bay chính đưa khách quốc tế đến với tiểu vùng Nam Trung Bộ
Đưa ra một số gợi ý, ông Trần Duy Đông cho rằng tiểu vùng Nam Trung Bộ cần xác định tiềm năng, lợi thế của từng địa phương là gì để liên kết tạo thành sức mạnh tổng hợp, không cạnh tranh lẫn nhau. Như Ninh Thuận trong tiểu vùng này có thể phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời hay Bình Thuận là phát triển về du lịch biển. Khánh Hòa xác định là trung tâm của tiểu vùng này, là đô thị ven biển, thành phố trực thuộc trung ương và động lực của toàn vùng, là trung tâm nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh. Phú Yên sẽ tập trung đánh bắt thủy hải sản, nông nghiệp... Chúng ta phải có những cơ chế, chính sách đặc thù cho những ngành đó.
Ông Trần Tuấn Anh đánh giá dù có nhiều thành tựu nhưng kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng vẫn còn những khó khăn; trong đó có 3/4 địa phương còn chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỉ trọng nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn. Các đô thị chưa được liên kết tốt với nhau tạo thành một hệ thống thống nhất...
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng liên kết tiểu vùng và vùng bước đầu đã giải quyết được một số mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên - môi trường... Việc liên kết tiểu vùng và vùng đòi hỏi cần phải có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa, trong đó vai trò của nhà nước như "nhạc trưởng". Cần hoàn thiện các cơ chế và chính sách liên quan đến đầu tư; bố trí nguồn lực để tăng cường liên kết tiểu vùng và vùng, xây dựng các hệ thống thông tin dữ liệu, các định hướng ưu tiên...
Bình luận (0)