Ngày 8-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vụ việc xử phạt hành chính thượng uý công an lái xe biển giả trong vụ tai nạn chết người ở Hà Tĩnh, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng có dấu hiệu bao che trong vụ việc này.
Quá trình điều tra làm rõ vụ tai nạn 1 người tử vong ở địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), công an huyện này xác định người điều khiển ô tô trong vụ tai nạn là thượng úy Phạm Cao Hoàng vi phạm 3 lỗi hành chính trong lĩnh vực giao thông gồm: điều khiển xe ô tô không có giấy phép đăng ký; sử dụng biển số giả khi lưu hành trên đường; điều khiển xe ô tô hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giao thông cơ giới đường bộ.
Chiếc xe do thượng úy Phạm Cao Hoàng điều khiển - Ảnh: Phan Anh
Luật sư Bùi Đình Ứng cho biết hành vi của thượng úy Hoàng buộc phải xử lý hình sự, không thể xử phạt hành chính dù nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chết người không phải lỗi của thượng úy công an này.
"Thượng úy Hoàng điều khiển 1 chiếc xe ô tô không có giấy phép đăng ký, hết hạn kiểm định đồng nghĩa với việc xe chưa đủ điều kiện để lưu thông. Cho dù thượng úy Hoàng có điều khiển xe đi đúng làn đường, tai nạn xảy ra không phải do lỗi của thượng úy Hoàng thì việc tài xế này đưa một chiếc xe không đủ điều kiện ra đường lưu thông là đủ hành vi cấu thành để xử lý hình sự"-luật sư Bùi Đình Ứng nói.
Cụ thể, điều 262 Bộ luật Hình sự về "Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn" quy định rõ người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng rõ ràng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật gây chết người thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Như vậy, trong vụ việc ở Hà Tĩnh, hành vi của thượng úy Hoàng phải xem xét xử lý hình sự. Nếu công an địa phương xử phạt hành chính là trái pháp luật"- luật sư Ứng nhấn mạnh.
Đối với việc sử dụng biển số xe giả, luật sư Ứng cho biết cơ quan điều tra sẽ làm rõ nội dung này khi khởi tố điều tra.
Về việc gia đình nạn nhân xin giảm nhẹ mức xử lý cho thượng úy Phạm Cao Hoàng, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi vụ việc được đưa ra xét xử, còn khởi tố theo điều 262 Bộ luật Hình sự không phụ thuộc vào yêu cầu cầu của bị hại.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 16-2 (tức mùng 1 Tết Mậu Tuất 2018), ông Nguyễn Sỹ Ngụ (74 tuổi, trú tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển xe đạp đi từ đường làng ra Quốc lộ 15A thuộc địa phận xã Phú Lộc, huyện Can Lộc. Ông Ngụ đã điều khiển xe đạp đi ngược chiều, sai làn đường nên đã xảy ra va chạm với xe ô tô do thượng úy Phạm Cao Hoàng, cán bộ Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ (PX14, Công an tỉnh Hà Tĩnh) đang lưu thông theo hướng ngược lại, dẫn đến tử vong. Chiếc ô tô đeo biển số giả và sau khi vụ tai nạn xảy ra, thượng úy Hoàng đã xuống xe, tháo biển số giả lắp biển số thật của xe là BKS 38N-5128 vào.
Sau đó, công an xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông thuộc về nạn nhân nên không khởi tố vụ án, thượng úy Hoàng bị phạt hành chính.
Bình luận (0)