Ngày 4-6, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết quan này vừa có kiến nghị cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn xử lý hình sự lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn theo điều 260 Bộ luật hình sự.
Hiện trường vụ tai nạn tại Bắc Giang làm 3 người chết đêm 2-6 - Ảnh: Công an TP Bắc Giang
Nội dung này được đề xuất trong báo cáo chuyên sâu về "Quản lý nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam" sau khi hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Tại Việt Nam trong những năm gần đây, có tới 70% số vụ va chạm giao thông đường bộ liên quan tới nhân tố con người, và 40% số vụ va chạm giao thông đường bộ do hành vi có nguy cơ cao dẫn tới mất an toàn giao thông hoặc hậu quả lớn: vi phạm về tốc độ, sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại...
Trong một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Y tế tại Việt Nam (2013) với số lượng mẫu khá lớn, nghiên cứu các trường hợp nhập viện do va chạm giao thông tại ba bệnh viện lớn tuyến trung ương cho thấy tỷ lệ các vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam vào khoảng 36%.
Theo thống kê chính thức của Cục Cảnh sát giao thông, trong các năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ các vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam xấp xỉ 5%.
Kết quả khảo sát xã hội học cho thấy kiến thức, thái độ và nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội về vấn đề này chưa thực sự đầy đủ. Trong một nghiên cứu độc lập năm 2015 về an toàn giao thông tại TP HCM, khảo sát trực tiếp tại một số nhà hàng, quán bia cho thấy có tới 90% số hành khách (người trưởng thành) sau khi ra về vẫn trực tiếp lái xe về nhà.
Vì vậy trong quản lý hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe, Việt Nam nên tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó đa dạng hóa hình thức xử phạt (trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, tạm giữ xe và nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù...).
Với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự vì bản chất hành vi này đe dọa nghiêm trọng tới an toàn tính mạng của người khác.
Cụ thể, Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cho khoản 4, Điều 260 Bộ Luật hình sự (khuyến cáo áp dụng với mức nồng độ cồn trong máu cao hơn 240 mg/100 ml máu): xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chủ thể chưa gây hậu quả.
Cùng với đó là mức phạt hành chính nên được điều chỉnh tăng theo mức độ vi phạm. Hiện nay mức phạt với mức độ vi phạm trên 80 miligam/100 mililít máu đều giống nhau, trong khi tính chất nguy hiểm là khác nhau. Cần có mức phạt tương ứng với mức độ vi phạm cho hành vi trên 80 miligam/100 mililít máu; từ 80-160 miligram/mililít; và từ 160-240 miligram/mililít theo nguyên lý mức sau cao hơn mức trước.
Ngoài ra thực hiện hành vi quy định tại điểm trên bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Có thể kéo giảm 350 - 1.000 người chết vì tai nạn giao thông
Đánh giá lợi ích của việc bổ sung sửa đổi quy định này, Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia cho rằng: Tại Việt Nam nếu tổ chức thực hiện giải pháp trên một cách hiệu quả có thể giảm 5% (mức thấp nhất) - 15 % số vụ, số người thiệt mạng và số người bị thương (Theo kinh nghiệm quốc tế). Điều này đồng nghĩa với việc nếu thực hiện tốt các kiến nghị trên, có thể kéo giảm được từ 350-1.000 người thiệt mạng do va chạm giao thông liên quan tới rượu bia.
Bình luận (0)