Lãnh đạo TP HCM vừa có cuộc họp khẩn với các sở, ngành chức năng bàn biện pháp ứng phó dịch tả heo châu Phi (ASF). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, ASF đã xuất hiện tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, có nguy cơ ảnh hưởng đến TP.
Lập thêm nhiều chốt kiểm dịch
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, cho biết từ lúc ASF xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, TP đã có kế hoạch ứng phó với 3 tình huống: dịch ở phía Bắc, ở các tỉnh giáp TP HCM và ở TP. Hiện tại, TP HCM đang ứng phó theo tình huống 2 - tức ứng phó ASF xảy ra ở tỉnh cung cấp thịt heo cho TP tiêu thụ (Đồng Nai chiếm tỉ lệ gần 50%).
Theo quy định về chống dịch, TP HCM sẽ ngưng nhập heo từ các xã có ASF trong vòng 30 ngày, kể từ khi con vật bệnh cuối cùng bị tiêu hủy. Ngoài 4 trạm kiểm dịch động vật hiện hữu, TP HCM đã lập thêm nhiều chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát heo sống và thịt heo đi vào TP HCM tại cầu Kỳ Hà trên tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cầu Phú Cường và cầu Bến Súc (huyện Củ Chi, giáp ranh tỉnh Bình Dương)…
Tại cuộc họp khẩn nói trên, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, chỉ đạo các quận - huyện tích cực vận động các hộ nuôi heo bằng thức ăn thừa không tái đàn vì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao; hoặc chuyển sang chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Ông Liêm cũng yêu cầu các quận - huyện quyết liệt xử lý các điểm giết mổ không phép.
Kiểm tra, khử trùng xe chở heo tại các chốt chặn kiểm dịch ở Đồng Nai Ảnh: XUÂN HOÀNG
"Quận - huyện nào để xảy ra tình trạng giết mổ không phép thì chủ tịch UBND quận, huyện đó sẽ nhận được văn bản phê bình từ UBND TP HCM. TP HCM không chấp nhận tình trạng này vì gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến người kinh doanh chân chính" - ông Liêm nhấn mạnh.
Không để người dân hoang mang
Theo ghi nhận của phóng viên, từ khi xảy ra ASF tại Việt Nam vào đầu tháng 2 đến nay, giá heo hơi đã lao dốc, từ mức 50.000 - 55.000/kg xuống còn 30.000 - 34.000 đồng/kg (ngày 11-5). Như vậy, với 1 con heo đến tuổi xuất chuồng (100 kg), người chăn nuôi đã mất gần 2 triệu đồng do rớt giá. Vì vậy, tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, nhiều chủ trang trại heo lo lắng, tìm cách bán tháo dù đàn heo đang khỏe mạnh.
Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn - nơi bán sỉ thịt heo lớn nhất TP HCM, năm 2018, bình quân mỗi ngày chợ tiêu thụ 5.200 con/ngày nhưng qua năm 2019, khi có thông tin về ASF, sản lượng thịt về chợ còn 4.800 - 5.000 con/ngày. "Từ ngày 9 đến 11-5, lượng heo về chợ vượt 5.000 con/ngày, riêng ngày 10-5 đạt 5.224,5 con, kéo theo giá giảm, từ 50.000 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng (heo mảnh loại 1). Một số ngày thương nhân phải giảm giá sâu để đẩy hàng" - ông Tiển thông tin.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, việc ASF xuất hiện tại các tỉnh phía Nam đã được dự báo từ trước. Nhờ vậy, các lực lượng chức năng của TP có sự chủ động để ngăn dịch xảy ra trên địa bàn. "Chúng tôi đang phối hợp với các bên liên quan trong việc chốt chặn, tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống để bảo đảm chỉ có thịt heo an toàn lưu hành trên địa bàn TP" - bà Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan, trong công tác chống dịch, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không hoang mang. Ngược lại, cũng rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng, không nên tẩy chay thịt heo, vì ASF không lây sang người. "Chúng tôi sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền khẳng định bệnh tả heo châu Phi không lây sang người, khuyến cáo mua thịt heo ở những nơi hợp pháp đã qua kiểm soát, không mua thịt heo trôi nổi, không rõ nguồn gốc" - bà Lan khẳng định.
Đồng Nai tập trung dập dịch
Tính đến ngày 11-5, tại tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện 4 ổ dịch tả heo châu Phi. Trong đó, 2 ổ dịch ở xã Bình Minh và xã Đồi 61 của huyện Trảng Bom; 2 ổ dịch ở 2 xã Phước Thiền và Hiệp Phước của huyện Nhơn Trạch. Các ổ dịch này rơi vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. UBND 2 huyện Nhơn Trạch và Trảng Bom đã ban hành quyết định công bố dịch ở 4 xã nói trên.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh đã lập 23 trạm kiểm dịch. Ngay khi phát hiện ASF, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung dập dịch, tiêu hủy toàn bộ heo nhiễm bệnh; lập thêm nhiều trạm, chốt kiểm dịch; hướng dẫn việc đi lại, cấm người không có nhiệm vụ vào vùng dịch; thực hiện cấm giết mổ tại xã có dịch...
X.Hoàng
Bình luận (0)