Chiều 24-5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La trình bày bản luận tội với 12 bị cáo, sau đó đề nghị các mức án.
Bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Sơn La, bị đề nghị 7-8 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với một số bị cáo khác bị đề nghị từ 23-25 năm tù.
Bao nhiêu năm tù, dù ít hay nhiều, cũng xấu mặt như nhau. Làm cán bộ quản lý giáo dục mà sửa bài thi, nâng điểm khống... cho con em, người thân của mình thì đã rất tệ hại rồi, đằng này còn ăn hối lộ hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng, để làm việc đó thì không còn gì để nói.
Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La - 3 tỉnh có số lượng thí sinh thi THPT quốc gia 2018 sở hữu điểm cao đáng ngờ, đỗ vào nhiều trường đại học và học viện danh giá một cách bất thường nên mới bị tố cáo và vỡ lở. Nếu không thì mọi chuyện êm xuôi, chúng ta vẫn có một kỳ thi "an toàn, nghiêm túc" như thường khi - theo đánh giá quen thuộc của lãnh đạo ngành GD-ĐT. Ai dám nói nếu "soi" chuyện thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La từ năm 2017 trở về trước thì không có tiêu cực? Ai dám nói nếu mở rộng thanh tra, điều tra kết quả thi THPT quốc gia ra các tỉnh, thành khác cũng không có tiêu cực?
Do vậy, đừng tin vào thông tin, báo cáo một chiều. Thiếu kiểm tra chéo hay phối kiểm nguồn tin thì sẽ nắm không chính xác thực trạng, từ đó đưa ra nhận định và quyết sách sai. Hậu quả của nó sẽ thật khôn lường. Cho nên, từ những sự cố đã xảy ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 năm nay, Bộ GD-ĐT nào dám giao toàn bộ cho các địa phương, cũng không thể phó thác toàn bộ cho các trường THPT trên toàn quốc, vì kết quả thi vừa được xét công nhận tốt nghiệp vừa được dùng làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ GD-ĐT phải phái cử thanh tra, chuyên viên cùng tham gia vào hội đồng thi địa phương, nhằm triệt tiêu cực ngay từ đầu...
Giáo dục mà còn hoài nghi như vậy, nói gì các lĩnh vực khác. Mà không nghi không được vì thực tế đã xảy ra những chuyện làm mất niềm tin.
Đó là chuyện xét chọn đối tượng thụ hưởng gói cứu trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Gói an sinh này dành cho khoảng 20 triệu người trong cả nước là người nghèo, cận nghèo bị mất việc, mất hoặc giảm thu nhập, cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhưng thật đáng xấu hổ cho nhóm cán bộ, công chức ở một số huyện của tỉnh Thanh Hóa. Ban đầu thì quan thôn soạn sẵn đơn bắt dân ký tự nguyện không nhận hỗ trợ, nhằm "nhường cho hộ khó khăn hơn". Sau bị lên án, phải dừng trò vận động, ép buộc không nhận thì lập tức lòi ra chuyện "cài cắm" con cháu, người thân đang sở hữu nhà lầu, xe hơi, nhà cho thuê... vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để nhận tiền của Chính phủ, trong khi người nghèo và cận nghèo thật sự thì bị bỏ ngoài cuộc.
Người ta thường nói nghèo nên hèn. Ở đây không nghèo vẫn hèn. Cho nên, chính sách vĩ mô dù có tốt đẹp tới mấy nhưng khi triển khai về cơ sở mà vẫn cứ chủ quan, nghe cấp dưới báo cáo rồi theo đó thực hiện, thiếu kiểm chứng thì sẽ bị méo mó. Do vậy đừng chỉ tin vào báo cáo!
Bình luận (0)