Hẹp trên phình dưới
Trả lời câu hỏi: "Thực tế cho thấy càng cải cách, càng tinh giản biên chế thì bộ máy càng phình to. Là thành viên đoàn giám sát của Quốc hội (QH) trong việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, ông có thấy thực tế này?", ông LÊ THANH VÂN nói:
- Việc tinh giản bộ máy các cấp đã thực hiện 2 lần vào các giai đoạn 2006-2011, 2011-2016 nhưng đúng là bộ máy chẳng những không tinh giản mà còn phình to. Nhiều cơ quan hoạt động chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ trong khi năng lực của bộ máy còn nhiều hạn chế. Tinh giản biên chế là "chưng cất, sàng lọc" để có cán bộ đủ năng lực, trình độ và phẩm chất, làm gọn bộ máy nhưng vẫn phát huy được hiệu quả, hiệu lực.
Thực tế cho thấy thay vì tinh giản thực sự, chúng ta thu hẹp đầu mối ở trên nhưng phình ở dưới. Trong mỗi bộ có các "bộ con", chức năng nhiệm vụ chồng chéo. Tinh giản biên chế thời gian vừa qua chủ yếu là thay đổi về số lượng, chưa tập trung vào chất lượng. Cụ thể, chưa "chưng cất" về chất lượng của đội ngũ cán bộ, chưa tinh giản đúng nghĩa, số lượng giảm hầu hết do nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Cho nên, bộ máy vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả, đội ngũ công chức hoạt động trong bộ máy ấy chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
* Hiện bộ ngành nào, lĩnh vực nào đang có xu hướng phình to bộ máy?
- Hầu hết các bộ, ngành đều có xu hướng phình ra. Không phải phình ở trung ương mà còn ở địa phương vì chúng ta đang tổ chức bộ máy theo hình trụ, trên có gì thì dưới có đấy, dẫn đến "đẻ" ra nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận phải có 1 người đứng đầu và vài người giúp việc là cấp phó nên dẫn đến nhiều địa phương, bộ - ngành lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, sếp nhiều hơn lính.
Thực trạng này cho thấy tâm lý "cả họ làm quan" vẫn bám rễ mạnh mẽ, nhiều người cố tình đưa người nhà không đủ năng lực vào bộ máy, thậm chí đưa vào để tạo vây cánh. Ngoài ra, tâm lý hưởng bổng lộc cũng khiến nhiều nơi "đẻ" thêm bộ máy, ban bệ hoặc trước khi về hưu thì ký tuyển dụng, bổ nhiệm thần tốc.
* Bộ máy cồng kềnh, việc tinh giản biên chế không đạt hiệu quả dẫn đến trong hệ thống tồn tại nhiều cán bộ, công chức năng lực yếu, đạo đức kém. Thực tế này gây ra hệ lụy gì?
- Thứ nhất, bộ máy cồng kềnh, dẫn đến phân công quyền lực không rạch ròi, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều vụ án, tiêu cực được phanh phui nhưng không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm đến cùng.
Thứ hai, bộ máy không tinh gọn dẫn đến công tác điều hành, quản lý không đạt mục đích. Đội ngũ cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc dẫn đến tình trạng sách nhiễu, gây khó dễ nên nhân dân và doanh nghiệp nhiều nơi còn kêu ca, phàn nàn về năng lực, chất lượng cán bộ.
Thứ ba, với một bộ máy vừa cồng kềnh vừa kém hiệu quả, hoạt động không đáp ứng được yêu cầu, nếu không cải cách ngay thì không ngân sách nào đáp ứng nổi. Hiện mức chi ngân sách thường xuyên là từ 65%-70%. Mức chi thường xuyên cho bộ máy tiếp tục cao như thế thì mức chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội sẽ ngày càng thu hẹp. Hiện mức chi cho đầu tư phát triển của chúng ta không nhiều, chủ yếu là đi vay, dẫn đến áp lực nợ công ngày càng lớn. Nếu không cải cách bộ máy để giảm chi sẽ dẫn đến tình trạng nợ công ngày càng tăng.
Quyết tâm chưa tới
* Theo ông, những nguyên nhân nào khiến cho việc tinh giản biên chế, cải cách bộ máy chưa đạt hiệu quả?
- Nguyên nhân đầu tiên chúng ta phải thừa nhận là quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chưa đủ mạnh, chưa triệt để thực hiện. Người đứng đầu, người quản lý chưa thể hiện đã dồn trọng tâm vào công việc này.
Ngoài ra, tâm lý vào nhà nước để hưởng lương ổn định của một bộ phận tồn tại nhiều năm qua không thể xóa bỏ, là rào cản của việc cải cách bộ máy. Nhiều người vẫn mang suy nghĩ vào biên chế là "có vào nhưng không có ra", được hưởng chế độ ngân sách suốt đời.
Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp trên với cấp dưới chưa thường xuyên, chưa đủ mạnh để sửa đổi, chấn chỉnh bộ máy. Cuối cùng, thể chế chính sách chưa kịp sửa đổi bổ sung phù hợp thực tiễn.
* Mới đây, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vừa chia sẻ với báo chí "cần phải cách mạng bộ máy", như vậy có thể thấy yêu cầu cải cách bộ máy, tinh giản biên chế là rất cấp thiết?
- Chúng ta đang đi trong cuộc cách mạng lần thứ tư (cách mạng 4.0). Nếu không cải cách bộ máy để thích nghi với các quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội, các phương pháp quản lý mới thì sẽ tụt hậu, tự mình lùi lại so với xu hướng phát triển chung. Từ thực tế bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, ngân sách không đáp ứng nổi thì chúng ta phải cải cách, cải cách thật mạnh mẽ.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu tại một kỳ họp của Quốc hội Ảnh: Nguyễn Nam
Kiên quyết loại cán bộ yếu
* Giải pháp nào để cải cách bộ máy, tinh giản biên chế đạt hiệu quả thực chất?
- Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra sẽ bàn để giải quyết các vấn đề bất cập vừa nêu trên để tìm các giải pháp phù hợp cải cách bộ máy, tinh giản biên chế. Để cải cách bộ máy cồng kềnh hiện nay, chúng ta phải sắp xếp lại, dựa trên nhu cầu của xã hội cần quản lý vấn đề gì thì hình thành nên cơ quan quản lý cái đó, không phải vì lợi ích của một nhóm người mà "đẻ" ra một bộ máy. Như cấu trúc của một động cơ không thể thiết kế thừa cũng không thể thiếu, nếu không sẽ không thể vận hành.
Trong từng cơ quan, cần xác định các nhóm nhiệm vụ, các loại công việc và số lượng người để làm nhiệm vụ đó. Cần phân định rạch ròi chức năng nhiệm vụ để tránh trùng lặp, chồng lấn trong công việc. Ví dụ như quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta nên giao cho một cơ quan duy nhất ở từng địa phương. Còn thực tế hiện có quá nhiều cơ quan ban ngành tham gia vào quá trình này nhưng hiệu quả giám sát kiểm tra lại không cao.
Điều quan trọng nhất trong tinh giản biên chế là chúng ta phải "chưng cất" cán bộ, qua đó tìm ra những người đủ năng lực, đủ phẩm chất đạo đức; loại bỏ cán bộ yếu kém.
Đổi mới việc tuyển dụng cán bộ, công chức, ở vị trí nào, phải có tiêu chuẩn cụ thể để nhìn vào đó thấy ngay được ai đáp ứng yêu cầu. Đối với các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt thì phải thi tuyển để có tính cạnh tranh cao. Hiện nay, chúng ta đang tuyển dụng đầu vào với một nền tảng rất giản đơn là làm một vài bài thi về pháp luật, quản lý chuyên ngành, hoàn toàn nặng lý thuyết, trong khi vào làm việc thì người tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc.
Hằng năm phải có sát hạch, kiểm tra lại kết quả làm việc, có tiêu chí để đánh giá. Nếu cán bộ nào không đáp ứng thì lập tức loại ra.
* Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay đang có tâm lý bao che, nể nang nên khó kiên quyết loại bỏ những cán bộ yếu kém về năng lực và phẩm chất đạo đức?
- Hiện chúng ta đang chọn những cán bộ thực sự có đức, có tài. Thiết kế bộ máy cũng vậy, phải chọn như chọn gỗ xây nhà. Làm sao có thể dùng củi để làm cột hay khung kèo trụ đỡ cho ngôi nhà được, bởi đó là thứ vứt bỏ, phải đốt đi. Một ngôi nhà được xây dựng bằng những loại gỗ không tốt, thậm chí là củi thì quá nguy hiểm. Nên theo tôi, hình ảnh Tổng Bí thư nói ra có hàm ý rất sâu sắc.
Muốn cải cách bộ máy, tinh giản biên chế thì cũng cần làm theo tinh thần đó, phải kiên quyết loại bỏ cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, phẩm chất đạo đức.
Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Lò đã nóng rồi thì củi tươi cũng phải cháy". Nhiều người hỏi tôi "củi" là gì? Theo tôi, củi là loại phế bỏ, không phải là gỗ tốt.
Trung ương Đảng thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách
Ngày 5-10, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII bước vào ngày làm việc thứ hai. Phó Chánh Văn phòng Trung ương - ông Lê Quang Vĩnh - cho biết trong phiên họp buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.
Chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và đề án về công tác dân số trong tình hình mới.
T.Dũng
Bình luận (0)