Thủ tướng vừa ký Công điện 470/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân. Trong khi đó, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng vừa công bố kết quả khảo sát gần 10.000 DN, cho thấy các DN đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn, cần cấp bách tháo gỡ.
Gỡ nhanh nút thắt
Gần 10.000 DN tham gia khảo sát nêu trên thuộc các lĩnh vực trên cả nước. Nhiều DN cho biết đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn với hơn 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng sản xuất - kinh doanh trong các tháng còn lại của năm nay.
Khó khăn, thách thức lớn nhất của DN là thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn vay, khó thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật, nguy cơ bị hình sự hóa các giao dịch kinh tế…
Ban IV đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả khảo sát tình hình DN; đề xuất, tham mưu một số giải pháp hỗ trợ DN và nền kinh tế. Đợt khảo sát này cũng ghi nhận rất nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể từ cộng đồng DN.
Chủ một DN chuyên sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết vừa tạm ngừng hoạt động, cho hơn 10 nhân sự nghỉ việc vì không còn đơn hàng. Song, DN này vẫn trả lãi vay hằng tháng với lãi suất 13%-14%/năm, trong khi một số đơn hàng làm xong nhưng đối tác chậm thanh toán.
Nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, rất cần được hỗ trợ Ảnh: THANH NHÂN
Từ quý III/2022, đơn hàng của ngành dệt may đã giảm 15%, đơn giá giảm 20%-30%; hàng hóa không tiêu thụ được, tồn kho lên tới 25%. Không chỉ gặp khó do người dân cắt giảm chi tiêu, ngành dệt may còn đứng trước áp lực lớn khi hầu hết đầu mối mua hàng đều đòi hỏi các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh. Nếu DN không đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh thì không được ký hợp đồng mới. Để "xanh", DN cần có vốn lẫn thời gian đầu tư, chuyển đổi trong khi việc tiếp cận vốn thời điểm này không hề dễ dàng.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, nhiều DN vận tải hàng hóa đang "khó chồng khó" vì hợp đồng vận chuyển giảm và tình trạng quá tải ở các trung tâm đăng kiểm. Nhiều phương tiện không đưa vào hoạt động được nhưng DN phải gánh các khoản lỗ về khấu hao xe, chi phí lưu bãi, lãi suất ngân hàng, trả lương tài xế, nhất là mất khách hàng vì xe nằm bãi. Nếu đến hẹn được kiểm định, DN còn phải tốn thêm chi phí thuê xe để kéo phương tiện đến trung tâm đăng kiểm.
"Các DN đã đặt lịch kiểm định từ 2-3 tháng trước nhưng vẫn phải xếp hàng đợi đến lượt. Nhiều trường hợp phiếu hẹn kéo dài 1-2 tháng và đã quá hạn nhiều ngày, làm phát sinh nhiều chi phí cho DN. Những bất cập này cần sớm được tháo gỡ" - ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, kiến nghị.
Để hỗ trợ DN, Ban IV đề xuất kéo dài thời hạn các chính sách đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn dịch COVID-19, bao gồm việc giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2025, thay vì chỉ hết năm 2023. Ngoài ra, chi phí lao động cần được giảm; tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan BHXH, kinh phí Công đoàn hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp bối cảnh mới.
Chính phủ đã đề xuất Quốc hội về việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, chứng khoán…; áp dụng từ ngày 1-7 đến hết năm 2023. Một số ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm nay là chưa đủ để chính sách phát huy tác dụng; đề nghị kéo dài thời gian áp dụng giảm thuế GTGT so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian cho chính sách phát huy hiệu quả.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM, cho rằng việc giảm thuế GTGT, gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập DN, giảm tiền thuê đất… là chưa đủ mạnh để vực dậy sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế đi lên. Chính sách hỗ trợ thuế cần mạnh mẽ hơn, ít nhất là từ nay tới cuối năm 2023.
"Thuế suất thuế thu nhập DN 20% cần giảm còn 14%. Thuế thu nhập cá nhân cũng nên giảm 50% số tiền phải nộp. Từ đó, DN sẽ giảm được rất nhiều chi phí tài chính. Bởi lẽ, ngoài việc giảm thuế thu nhập, nhiều DN còn giảm được số tiền thuế phải nộp vì khi trả lương, các đơn vị này đã đóng cả thuế thu nhập cá nhân cho người lao động" - ông Nghĩa nhìn nhận.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, huy động
Một trong những khó khăn của DN hiện nay là tiếp cận vốn. Ban IV đã đề xuất các giải pháp để DN tiếp cận được vốn.
Theo đó, nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chủ lực, trong đó có những khoản, mục dành cho DN nhỏ và vừa. Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất. Cho phép ngân hàng thương mại trong nước được mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt vì lượng trái phiếu này có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của các DN trong nước.
"Xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng. Nhà nước cần xem xét các cơ chế để DN tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình này so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện "đối tượng chính sách" như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực tiễn" - ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, nêu rõ trong kiến nghị gửi Thủ tướng.
Trong khi đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm tiếp mức lãi suất huy động và cho vay.
Từ ngày 26-5, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất vay khi tăng quy mô từ 20.000 tỉ đồng lên 30.000 tỉ đồng cho khách hàng với mức ưu đãi giảm tối đa 3% lãi vay so với biểu lãi suất. Đây được coi là động thái tích cực của ACB trong nhóm ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau khi NHNN có các động thái giảm lãi suất.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho biết do việc tiếp tục mở rộng quy mô cho vay, giảm lãi suất, ngân hàng này mong muốn góp phần gỡ nút thắt về nguồn vốn cho DN, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế. Ngoài ra, ACB vẫn duy trì giảm từ 0,5 đến 2 điểm % cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất. Mức giảm cụ thể căn cứ vào mức độ sử dụng các dịch vụ thanh toán trong và ngoài nước tại ngân hàng này.
Thực tế, thu nhập của DN đang giảm, chi phí tài chính quá cao cũng cản trở DN và người tiêu dùng. Khi lãi suất "dễ chịu" hơn, DN sẽ mạnh dạn quyết định đầu tư, sản xuất - kinh doanh khả thi hơn… Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội, cho rằng với thị trường đang hấp thu vốn rất yếu và kinh tế khó khăn như hiện nay, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hàng và cả ngân hàng trong thời gian tới.
"Với động thái giảm lãi suất của NHNN, chắc chắn thời gian tới, mặt bằng lãi suất sẽ giảm và chi phí vốn cũng hạ. Các ngân hàng đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất" - ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong, khẳng định. Ông Hưng cho hay chỉ khi lãi suất giảm, chi phí vốn hạ thì các ngân hàng thương mại mới có khả năng điều chỉnh mức lãi suất cho vay với DN và người dân, khi đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc phát triển kinh tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường
Nhiều DN kiến nghị nghiên cứu xây dựng kênh thông tin tập trung để phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro nhằm hỗ trợ DN.
Trong Công điện 470, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có Hiệp định FTA với Israel và các hiệp định với những đối tác khác (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam - nhất là những mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế.
Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho DN và người dân trước ngày 28-5. Thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn giảm những loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục đề xuất các chính sách nếu thấy còn dư địa.
Bình luận (0)